VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»“Nằm thẳng” ở Trung Quốc và các phong trào tương tự

“Nằm thẳng” ở Trung Quốc và các phong trào tương tự

16:21 - 13/05/2025

Ở Trung Quốc và những nơi khác, “nằm thẳng” và những khái niệm tương tự thể hiện phản ứng của một thế hệ trước những thách thức kinh tế và xã hội có hệ thống.

Phong trào “nằm thẳng” nổi lên ở Trung Quốc vào khoảng năm 2021 như một hiện tượng văn hóa và xã hội, thể hiện sự vỡ mộng ở người trẻ trước những áp lực không ngừng của cuộc sống hiện đại.

Nó ủng hộ việc từ chối chạy theo kỳ vọng của xã hội về làm việc liên tục, tham vọng sự nghiệp và các cột mốc truyền thống như kết hôn, lập gia đình hay sở hữu nhà. Thay vào đó, những người nằm thẳng theo đuổi lối sống tối giản, ít nỗ lực, ưu tiên bản thân và sức khỏe tinh thần hơn là tham gia vào văn hóa làm việc cạnh tranh khốc liệt và chủ nghĩa tiêu dùng.

Thuật ngữ này – xuất hiện lần đầu vào tháng 2/2020 trên internet Trung Quốc – thu hút sự chú ý sau một bài đăng vào tháng 4/2021 của Luo Huazhong trên diễn đàn mạng Baidu Tieba. Anh mô tả các lý do khiến anh quyết định sống tiết kiệm, làm việc tối thiểu và “nằm thẳng” thay vì theo đuổi các định nghĩa của xã hội về thành công.

Ở Trung Quốc và những nơi khác, “nằm thẳng” và những khái niệm tương tự thể hiện phản ứng của một thế hệ trước những thách thức kinh tế và xã hội có hệ thống.

Ảnh minh họa: Ian Berry/CNN.

Ảnh minh họa: Ian Berry/CNN.

Tại Trung Quốc, “nằm thẳng” xuất hiện trong bối cảnh các yếu tố gây căng thẳng về kinh tế và văn hóa hội tụ. Đầu tiên là sự canh tranh gay gắt trong công việc, với văn hóa làm việc khét tiếng “996” – làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần – trở nên phổ biến trong các ngành như công nghiệp và tài chính.

Thất nghiệp ở thanh niên đã trở thành một vấn đề dai dẳng. Dữ liệu chính phủ Trung Quốc cho thấy có tới 21% người ở độ tuổi từ 16 đến 24 ở nước này thất nghiệp vào năm 2023.

Giá nhà ở các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải tăng vọt, trung bình tương đương hơn 20 lần thu nhập hàng năm của một hộ gia đình, khiến việc sở hữu nhà trở thành giấc mơ xa vời với nhiều người.

Trong khi đó, chi phí nuôi dạy con cái, cùng với kỳ vọng chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ càng làm tăng thêm áp lực.

Phong trào “nằm thẳng” là phản ứng trực tiếp trước những thực tế này. Những người trẻ Trung Quốc, đặc biệt những người sinh sau năm 1990, cảm thấy bị mắc kẹt trong một hệ thống mà làm việc chăm chỉ không còn giúp họ tiến lên trong xã hội. Các nền tảng mạng xã hội Weibo và Douyin đã khuếch đại phong trào này, với các hashtag và meme ca ngợi chủ nghĩa tối giản, tính tiết kiệm và sự tách biệt khỏi áp lực xã hội.

Chính phủ Trung Quốc phản đối “nằm thẳng”. Các kênh truyền thông nhà nước như Nhân Dân nhật báo của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chỉ trích xu hướng này là “đáng xấu hổ” và “không yêu nước”. Các cuộc thảo luận trực tuyến về nó bị kiểm duyệt, một số thuật ngữ bị chặn trên các nền tảng vào năm 2022.

Ở các nước khác, những khái niệm tương tự cũng đã xuất hiện. Ví dụ, tại Mỹ, cụm từ “nghỉ việc lặng lẽ” trở nên phổ biến vào năm 2022 trên nền tảng TikTok do những thay đổi trong nhận thức của một số người về công việc do đại dịch Covid-19.

Khi đại dịch khiến cho các mô hình làm từ xa và hỗn hợp trở nên phổ biến hơn, một số người bắt đầu đánh giá lại cân bằng công việc – cuộc sống của mình. Họ chỉ làm việc ở mức tối thiểu trong giờ làm việc theo quy định, tránh làm bất kỳ nhiệm vụ gì nhiều hơn. Đây là sự tương phản với văn hóa làm việc cạnh tranh nhằm đạt những thành công và thăng tiến trong sự nghiệp.

“Nằm thẳng” cũng có những điểm chung với các hiện tương văn hóa như “hikikomori” và “thế hệ giác ngộ” ở Nhật Bản. “Hikikomori” là những cá nhân, thường là đàn ông trẻ tuổi, tách biệt khỏi xã hội, sống trong sự cô lập cực độ để thoát khỏi áp lực công việc và kỳ vọng của xã hội. Theo ước tính, hơn 1 triệu người Nhật, chủ yếu ở độ tuổi 15-39, phù hợp với những đặc điểm này.

Một thuật ngữ khác, “thế hệ giác ngộ”, chỉ những người sinh trong thập niên 1980 và 1990. Họ không cực đoan như “hikikomori” nhưng cũng đã từ bỏ các tham vọng sự nghiệp. Họ không quan tâm đến kiếm tiền, thăng tiến sự nghiệp và tiêu dùng phô trương, hay thậm chí du lịch, sở thích và quan hệ tình cảm, dường như đạt đến trạng thái giác ngộ trong Phật giáo.

Bối cảnh kinh tế của Nhật Bản thúc đẩy những xu hướng này. Sau 3 thập kỷ tăng trưởng kinh tế thấp, tiền lương thực của nhiều người lao động hầu như không tăng. Trong khi đó, khả năng chi trả nhà ở vẫn là thách thức ở các thành phố như Tokyo, nơi giá chung cư trung bình tăng 40% từ năm 2015 đến 2023.

Người trẻ Nhật Bản ngày càng từ bỏ con đường truyền thống, Một khảo sát năm 2022 của chính phủ cho thấy 30% những người ở độ tuổi 20 thích làm những nghề nghiệp phi truyển thống, như làm nghề tự do hay làm việc bán thời gian.

Ở Hàn Quốc, những cụm từ thế hệ “sampo” và “n-po” chỉ những người đã từ bỏ các mục tiêu trong cuộc sống. “Sampo” nghĩa là từ bỏ 3 mục tiêu: hẹn hò, kết hôn và sinh con. “N-po” từ bỏ thêm nhiều mục tiêu hơn, từ sở hữu nhà, quan hệ với người khác, đến cuối cùng là cuộc sống.

Những thuật ngữ này cho thấy sự phản ứng với xã hội siêu cạnh tranh tại Hàn Quốc, nơi thành công trong học tập, bằng đại học ưu tú và công việc tại các tập đoàn lớn như Samsung hay Hyundai được xem là điều kiện tiên quyết để thành công.

Hệ thống giáo dục nổi tiếng khắc nghiệt: các học sinh dành nhiều năm chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học, thường đi kèm việc học thêm tư nhân tốn kém. Văn hóa việc làm ở Hàn Quốc cũng khắc nghiệt. Một tuần làm việc trung bình tại đây là 52 giờ, thuộc nhóm cao nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Chi phí nhà ở tại Seoul, nơi một nửa dân số sinh sống, tăng 50% từ năm 2018 đến năm 2023.

Tỷ lệ kết hôn và sinh con đã giảm mạnh. Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc năm 2023 là 0,78 trẻ trên một phụ nữ, mức thấp nhất thế giới.

Một cụm từ mới ở Ấn Độ, “giết thời gian”, cũng có nhiều điểm giống với “nằm thẳng”. Một người bạn hỏi: “Bạn đang làm gì?”. Trả lời: “Giết thời gian”. Những thứ lấp đầy một ngày của người trả lời không quan trọng, chúng chỉ giúp thời gian trôi qua. Người bạn sẽ biết để không hỏi sâu thêm.

Giới trẻ Ấn Độ càng có trình độ giáo dục cao thì tỷ lệ thất nghiệp càng cao. Theo một báo cáo, trong năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Ấn Độ có trình độ sau đại học là 28,7%, so với chỉ 3,2% của những người trẻ không biết đọc viết.

Mặc dù tỷ lệ người trẻ Ấn Độ có tài sản đủ để thực sự rút lui khỏi xã hội vẫn còn ít, nhưng họ ngày càng “giết thời gian” nhiều hơn. Năm 2024, người Ấn Độ trung bình dành 4 giờ một ngày trên điện thoại, tăng từ 3,3 giờ năm 2023.

Một cuộc khảo sát của YouGov Asia năm 2023 cho thấy 40-60% thế hệ Z ở các quốc gia châu Á cảm thấy bi quan về khả năng đạt được thành công theo truyền thống. Những bấp bênh về kinh tế – tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên, tiền lương trì trệ và khủng hoảng nhà ở – là nền tảng của phong trào này.

Tham khảo:

https://www.scmp.com/comment/letters/article/3136920/chinas-youth-are-lying-flat-fear-so-might-their-futures

https://qz.com/2019322/why-lying-flat-a-niche-chinese-millennial-meme-alarms-beijing

https://www.bbc.com/news/business-62638908

https://www.bbc.com/future/story/20190129-the-plight-of-japans-modern-hermits

https://www.japantimes.co.jp/news/2013/03/31/national/media-national/life-is-too-short-for-an-undesirable-satori/

https://medium.com/@samiulbhuiyan89/the-sampo-generation-of-south-korea-81b7dce2ba46

https://www.bloomberg.com/opinion/articles/2025-01-05/-timepass-is-india-s-way-of-lying-flat