VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»“Đường ống Nord Stream rò rỉ do phá hoại”

“Đường ống Nord Stream rò rỉ do phá hoại”

12:21 - 30/09/2022

NATO cho biết sẵn sàng bảo vệ cơ sở hạ tầng của các nước thành viên, trong khi một số quan chức các nước nói rằng Nga có thể là thủ phậm.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nói rằng một loạt những vụ rò rỉ trên các đường ống dẫn khí Nord Stream giữa Nga và châu Âu là kết quả của sự phá hoại và rằng những cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của các thành viên sẽ phải nhận phản ứng tập thể từ liên minh quân sự.

Tuyên bố từ NATO không cung cấp chi tiết hoặc bằng chứng. Tổ chức cũng lưu ý rằng thiệt hại đối với các đường ống xảy ra trong vùng biển quốc tế. Nhưng đây lần đầu tiên liên minh chính thức cảnh báo rằng họ sẵn sàng ngăn chặn và bảo vệ những cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của các thành viên, sau khi 4 vụ rò rỉ được ghi nhận trong đường ống Nord Stream và Nord Stream 2.

“NATO cam kết ngăn chặn và bảo vệ chống lại các cuộc tấn công hỗn hợp”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg viết trên Twitter. “Bất kỳ cuộc tấn công có chủ ý nào nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của các Đồng minh sẽ được đáp lại bằng một phản ứng thống nhất và kiên quyết”.

Tại cuộc họp của NATO tối thứ Tư, giới chức Đan Mạch cho biết những đường ống đã bị hư hại do 2 vụ nổ hôm thứ Hai, mỗi vụ có sức công phá khoảng 500 kg TNT, theo các quan chức quen thuộc với cuộc thảo luận.

Hôm thứ Năm, giới chức Thụy Điển và Đan Mạch cho biết rằng có tổng cộng 4 vụ rò rỉ được xác minh. Lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển cho biết vụ rò rỉ thứ tư được phát hiện vào đầu tuần này cùng thời điểm với vụ rò rỉ đầu tiên. Vết rò rỉ thứ hai nhỏ hơn và lượng khí từ vết rò rỉ đó đang suy yếu.

4 vụ rò rỉ được ghi nhận trong các đường ống Nord Stream và Nord Stream 2 đầu tuần này.

4 vụ rò rỉ được ghi nhận trong các đường ống Nord Stream và Nord Stream 2 đầu tuần này.

Hậu quả của vụ rò rỉ có nguy cơ mở rộng quy mô của xung đột ở Ukraine, vốn cho đến nay hầu như chỉ giới hạn trong biên giới của Ukraine, và gắn nó với cuộc chiến kinh tế đang diễn ra giữa Nga và phương Tây. Mặc dù các sự cố không ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt của châu Âu – vì những đường ống này đang không được sử dụng – chúng làm dấy lên lo ngại về an ninh của hệ thống năng lượng ở lục địa này khi các chính phủ nỗ lực xây dựng nguồn dự trữ khí đốt cho mùa đông.

NATO không nêu tên thủ phạm gây ra vụ rò rỉ ở Biển Baltic, mặc dù các quan chức ở một số nước thành viên lên tiếng cho rằng Nga chịu trách nhiệm mà không đưa ra bằng chứng.

Nga phủ nhận liên quan đến vụ việc và Điện Kremlin gọi đây là “một cuộc tấn công khủng bố, có thể ở cấp nhà nước”.

Dmitry Peskov – phát ngôn viên của tổng thống – nói với các phóng viên rằng NATO có nhiều thiết bị hơn Nga ở khu vực xảy ra rò rỉ đường ống. “Khu vực này là biển Baltic. Có nhiều máy bay, tàu hoặc các phương tiện thủy khác từ các nước NATO ở đó”, ông nói. “Vì vậy, những báo cáo này [về sự tham gia của Nga] hoàn toàn vô lý … và thiên kiến”.

NATO cho biết liên minh quân sự sẵn sàng bảo vệ cơ sở hạ tầng của mình khỏi các cuộc tấn công của cả các chính phủ nước ngoài và cá nhân hành động mà không có sự hỗ trợ rõ ràng của nhà nước. “Tất cả các thông tin hiện có đều chỉ ra rằng đây là kết quả của những hành động phá hoại có chủ ý, liều lĩnh và vô trách nhiệm”, NATO cho biết. “Chúng tôi, với tư cách là Đồng minh, cam kết chuẩn bị, ngăn chặn và bảo vệ chống lại việc sử dụng năng lượng để cưỡng bức và những chiến thuật hỗn hợp khác của các chủ thể nhà nước và phi nhà nước”.

Tuyên bố của NATO đánh dấu sự gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thúc đẩy kế hoạch thôn tính các khu vực bị chiếm đóng ở miền đông và miền nam Ukraine. Giới chức Nga đã cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào các vùng lãnh thổ này – vẫn đang trong tình trạng tranh chấp và xảy ra giao tranh – sẽ được coi là một cuộc tấn công nhằm vào chính Nga.

Một số nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu cho biết họ ít có nghi ngờ gì về việc Nga đứng sau vụ phá hoại đường ống, nhưng điều quan trọng là phải hoàn toàn chắc chắn trước khi đưa ra kết luận đó. Trong cuộc họp vào cuối ngày thứ Tư, các nước thành viên NATO cho rằng nhiều khả năng Nga chịu trách nhiệm về vụ rò rỉ, nhưng hầu hết họ không muốn đưa ra tuyên bố chính thức mà không có thêm bằng chứng.

Ngay cả trước tuyên bố hôm thứ Năm, các nhà lãnh đạo của Đan Mạch và Ba Lan đã công khai đổ lỗi cho hành vi phá hoại, cũng như Thụy Điển – nước đang chờ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận để gia nhập liên minh. “Nếu chỉ là một vụ rò rỉ, thì đây có thể là tai nạn”, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Paweł Jabłoński cho biết. “Nhưng một tình huống mà một số vụ rò rỉ đồng thời xảy ra cho thấy đó là một hành động có chủ đích”.

Ông nói thêm: “Điều tôi có thể nói là chúng ta chắc chắn nên tính đến khả năng Nga đứng sau vụ này. Trong khi Nord Stream 2 chưa bao giờ hoạt động và Nord Stream 1 đang bị đình chỉ, rõ ràng là Nga không còn thu được ích lợi nào từ chúng, vì vậy việc phá hoại và sử dụng điều đó như cái cớ để leo thang chiến tranh có thể là một chiến thuật của Nga”.