VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Nên kiểm tra những gì khi nhận bàn giao căn hộ chung cư?

Nên kiểm tra những gì khi nhận bàn giao căn hộ chung cư?

17:10 - 31/12/2024

Tích cóp tiền để mua được một căn hộ cho riêng mình là mơ ước của nhiều người. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui mua được nhà là những lo lắng về chất lượng căn hộ. Để đảm bảo ngôi nhà mới của mình hoàn hảo và an toàn, việc kiểm tra kỹ lưỡng là vô cùng cần thiết. Vậy, nên kiểm tra những gì khi nhận bàn giao căn hộ chung cư?

Năm 2024 chứng kiến những biến động đáng kể trên thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc căn hộ chung cư. Sau một thời gian trầm lắng, nhu cầu sở hữu nhà ở, đặc biệt là căn hộ chung cư, đã có dấu hiệu tăng trở lại.

Tính riêng ở Hà Nội, theo báo cáo của Công ty TNHH CBRE (Việt Nam), thị trường chung cư Hà Nội trong quý III/2024 tiếp tục ghi nhận nguồn cung mở bán mới lớn, đạt xấp xỉ 8.230 căn, gần bằng với nguồn cung mới của quý trước. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn cung mở bán mới căn hộ chung cư tại Hà Nội đạt hơn 19.000 căn, vượt tổng nguồn cung cả năm 2023. Đây cũng là tổng nguồn cung chung cư mới lớn nhất ghi nhận được tại Hà Nội trong vòng 5 năm trở lại đây.

Dự báo trong thời gian tới, thị trường căn hộ chung cư sẽ tiếp tục sôi động. Tuy nhiên. Trong bối cảnh đó, người mua nhà cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định mua để tránh rủi ro. Nên lựa chọn dự án uy tín, có pháp lý rõ ràng và tham khảo ý kiến của chuyên gia là điều cần thiết. Song song với đó, những người đã mua được nhà cũng cần cẩn trọng kiểm tra kỹ khi nhận bàn giao.

Theo đó, khi nhận bàn giao nhà chung cư, người mua cần chú ý kiểm tra kỹ một số hạng mục sau:

Đo và kiểm tra diện tích theo đúng bản vẽ

Đo và kiểm tra diện tích thực tế xem có đúng với diện tích đã được ký trong hợp đồng hay không là một việc vô cùng quan trọng. Nếu sai lệch về diện tích có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người mua nhà, đặc biệt là khi nó liên quan đến các vấn đề pháp lý và tài chính. Hãy chuẩn bị sẵn các đủ các dụng cụ đo đạc như thước dây, thước cuộn và bản vẽ thiết kế chi tiết của căn hộ. Thực hiện đo đạc, kiểm tra từng phòng, từng khu vực và ghi chép lại kết quả.

Sai lệch về diện tích có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người mua nhà

Trường hợp sai lệch trên dưới 2m2 sẽ được trả hoặc nộp thêm tiền mua nhà, nếu dưới 5m2 có thể từ chối nhận căn hộ.

Kiểm tra hệ thống điện

Hệ thống điện chính là mạch máu của ngôi nhà nên hãy kiểm tra kỹ lưỡng hệ thống điện khi nhận nhà mới.

Kiểm tra kỹ khu vực bảng điện trung tâm trong căn hộ thường được bố trí ngay gần sát cửa chính gồm: 01 aptomat (cầu dao) tổng và các aptomat kiểm soát hệ thống đèn, ổ cắm… Hãy kiểm tra xem có đủ số lượng aptomat không, các aptomat phải đảm bảo ở tình trạng giật xuống là tắt và kéo lên là bật. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn nên yêu cầu chủ đầu tư khắc phục ngay để tránh những rủi ro về điện.

Nếu căn hộ có thêm điều hòa, bình nóng lạnh, bếp điện, người mua cần kiểm tra tính năng của từng thiết bị.

Ngoài ra, bạn cần kiểm tra các đường dây điện, hộp nối, tủ điện xem có dấu hiệu bị ẩm mốc, cháy nổ hay không. Kiểm tra cả hệ thống chống sét để đảm bảo an toàn cho ngôi nhà và các thiết bị điện.

Hệ thống nước

Tương tự như hệ thống điện, hệ thống nước cũng là một phần không thể thiếu trong nhà.

Hãy kiểm tra tất cả các vòi nước, từ vòi rửa mặt, vòi bếp cho đến vòi sen. Mở từng vòi để kiểm tra áp lực nước, xem có bị rò rỉ hay không. Đặc biệt chú ý đến các khớp nối, đường ống để phát hiện những vết nứt, gỉ sét.

Đặc biệt, hệ thống nước thường tập trung ở khu vực bếp, ban công, nhà vệ sinh. Hãy kiểm tra kỹ những khu vực này.

Với hệ thống thoát nước, hãy thử thả nước vào bồn cầu, lavabo, bồn rửa chén để xem nước có thoát nhanh, không bị tắc nghẽn. Khu vực trần nhà, ban công cũng cần lưu ý xem khi xả nước, các đường ống thoát nước có bị rò rỉ không.

Đừng quên bật bình nước nóng và kiểm tra xem nước có nóng đều hay rò rỉ không. Kiểm tra van an toàn của bình nước nóng để đảm bảo nó hoạt động tốt.

Kiểm tra tường, trần

Tường và trần nhà là những bộ phận cấu thành nên kết cấu chính của ngôi nhà, nó cũng là một phần thẩm mỹ của ngôi nhà.

Người mua cần kiểm tra xem tường và trần có bị nứt, bong tróc sơn hay không. Những vết nứt nhỏ có thể là dấu hiệu của sự xuống cấp hoặc do quá trình xây dựng không đảm bảo. Nếu có hiện tượng nứt, phải yêu cầu xử lý, tránh hiện tượng thấm làm hỏng tường và nội thất bên trong.

Đồng thời kiểm tra các góc tường, các vị trí giao nhau giữa tường và trần xem có bị hở, bong tróc hay không.

Đặc biệt lưu ý đến các vị trí xung quanh cửa sổ, cửa đi, ổ điện, công tắc, đèn chiếu sáng. Đây là những vị trí thường xuyên chịu tác động của ngoại lực nên dễ bị nứt hoặc bong tróc.

Ngoài ra, nên kiểm tra màu sơn của tường và trần. Màu sơn đẹp nhất là màu sơn phải đồng đều, không bị loang lổ, lem nhem.

Kiểm tra sàn

Nếu là sàn gỗ phải đảm bảo bề mặt sàn không chỗ nào phồng, rộp, nhất là các vị trí cạnh tường, góc nhà và gần cửa. Trong trường hợp có vết xước hoặc lỗi phải yêu cầu thay mới. Trường hợp sàn có khe hở phải yêu cầu sửa lại.

Riêng phần gạch ốp, hãy đảm bảo mạch thẳng, đều nhau. Toàn bộ bề mặt gạch không còn vữa hay vết ố bẩn.

Cửa ra vào và cửa sổ

Cửa ra vào đảm bảo an toàn cho ngôi nhà.

Hãy kiểm tra xem cửa có đóng mở trơn tru, không bị kẹt hay ọp ẹp. Các cánh cửa phải lắp thẳng, bản lề được đúc chìm vào trong khuôn, không bị xước hay dính sơn. Khóa cửa dễ vặn mở, không bị kẹt cũng không lỏng. Chìa khóa phải dễ cho vào ổ và rút ra cũng dễ dàng.

Với cửa sổ, hãy kiểm tra xem cửa có bị cong vênh, nứt, vỡ không. Đặc biệt chú ý đến các loại cửa sổ mở lùa, cửa sổ mở quay để đảm bảo chúng hoạt động trơn tru, không bị kẹt.

Ngoài ra, cần đảm bảo tính thẩm mỹ, nhẵn mịn, không thô ráp.

Thiết bị báo cháy

Khi nhận nhà mới, việc kiểm tra và đảm bảo thiết bị báo cháy hoạt động tốt là điều vô cùng cần thiết. Thông thường, thiết bị báo cháy thường được lắp đặt ở hành lang, phòng ngủ, phòng khách và gần cầu thang.

Hãy kiểm tra xem các thiết bị báo cháy này có được lắp đặt đúng cách, chắc chắn không. Sau đó, nếu có thể hãy thử kích hoạt thiết bị báo cháy, nếu thiết bị sẽ phát ra âm thanh báo động là bình thường. Nếu không nghe thấy tiếng báo động, có thể pin của thiết bị đã hết hoặc thiết bị bị hỏng.

Đồng thời hãy kiểm tra các cảm biến khói và nguồn điện cung cấp cho thiết bị báo cháy.

https://vtcnews.vn/nen-kiem-tra-nhung-gi-khi-nhan-ban-giao-can-ho-chung-cu-ar909347.html