VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Ngân hàng Thế giới: Mất điện khiến Việt Nam thiệt hại 1,4 tỷ USD

Ngân hàng Thế giới: Mất điện khiến Việt Nam thiệt hại 1,4 tỷ USD

13:13 - 11/08/2023

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tình trạng mất điện thường xuyên trong tháng 5 và tháng 6 khiến Việt Nam thiệt hại khoảng 1,4 tỷ USD (33 nghìn tỷ đồng), tương đương 0,3% GDP.

Hồi đầu mùa hè, các tỉnh miền Bắc lâm vào cảnh mất điện liên tục do nhu cầu điện tăng cao khi trời nóng, cùng lúc với việc nguồn cung thủy điện sụt giảm nghiêm trọng vì hạn hán. Mất điện ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất của các nhà máy công nghiệp.

Mất điện ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Mất điện ảnh hưởng đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Ngày 11/8, Dorsati Madani – chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới – cho biết sự gián đoạn sản xuất khiến Việt Nam thiệt hại khoảng 1,4 tỷ USD (khoảng 33 nghìn tỷ đồng), tương đương 0,3% GDP. Ước tính này dựa trên nhu cầu điện năng không được đáp ứng, ở mức 36 GWh trong năm 2022 và 900 GWh trong tháng 5 và tháng 6 năm nay.

Khảo sát các hiệp hội doanh nghiệp ở miền Bắc trong lĩnh vực công nghiệp cho thấy tổn thất doanh thu do mất điện lên tới 10% và nhu cầu điện không được đáp ứng cũng dẫn đến tổn thất doanh thu cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam khoảng 75 triệu USD.

Ngân hàng Thế giới cho biết việc mất cân đối cung cầu điện ở miền Bắc là do khu vực này có nhu cầu điện tăng nhanh và nguồn cung chủ yếu dựa vào thủy điện và than để phát điện. Cả hai nguồn này đều thiếu nguyên liệu, dẫn đến sản xuất và phân phối điện bị đình trệ. Khả năng truyền tải hạn chế khiến miền Bắc khó tiếp cận nguồn cung năng lượng dư thừa ở miền Nam, công suất khoảng 20 GW.

Bà Madani cho biết Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào hệ thống phân phối điện.

Trong một báo cáo hồi tháng 7, Phòng Thương mại châu Âu ở Việt Nam cho biết tình trạng mất điện có thể quay trở lại và khuyến nghị Chính phủ nên tập trung vào các kế hoạch dài hạn để đảm bảo nguồn cung điện.

Ngân hàng Thế giới đề xuất một số giải pháp trước mắt, bao gồm lên lịch vận hành thương mại các nhà máy điện trong năm 2024 và 2025, đầu tư vào hệ thống phân phối và đa dạng hóa nguồn điện, dựa nhiều hơn vào nguồn nhập khẩu. Các biện pháp tiết kiệm năng lượng cũng có thể giúp ích, ví dụ như thiết lập hệ thống theo dõi và chỉ tiêu bắt buộc theo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.