VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Ngân sách chính phủ Nga thâm hụt sâu hai tháng đầu năm

Ngân sách chính phủ Nga thâm hụt sâu hai tháng đầu năm

10:01 - 07/03/2023

Doanh thu dầu khí giảm và chi phí chiến tranh tăng siết chặt tài chính công của Nga.

Ngân sách chính phủ Nga thâm hụt sâu hơn vào tháng 2, gây áp lực lên Điện Kremlin trong việc cân bằng chi phí gia tăng cho chiến tranh ở Ukraine với doanh thu từ dầu mỏ giảm do một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trong năm đầu tiên của chiến tranh, nền kinh tế cũng như ngân sách chính phủ Nga đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây tốt hơn dự báo. Nhưng một số nhà kinh tế cảnh báo rằng thiệt hại sẽ tăng lên theo thời gian, khi những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào dầu mỏ của Nga – nguồn thu nhập chính của nước này.

Thâm hụt ngân sách chính phủ tăng lên 34 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm, theo dữ liệu của Bộ Tài chính, tăng từ 25 tỷ USD trong tháng 1. Con số này hiện đã gần bằng mục tiêu cả năm của chính phủ là khoảng 39 tỷ USD – tương đương khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến của Nga. Do đó, chính phủ phải tăng cường sử dụng quỹ dự phòng và vay trong nước để bù đắp.

Nguyên nhân dẫn đến thâm hụt là doanh thu từ dầu khí giảm 46% trong 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong những tháng gần đây, nhóm G7 áp đặt một mức giá trần mới đối với dầu mỏ và chế phẩm dầu mỏ của Nga trên toàn cầu, trong khi Liên minh Châu Âu cấm hầu hết dầu nhập khẩu từ Nga.

Liam Peach – nhà kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại Capital Economics – cho biết: “Các số liệu của tháng 2 phù hợp với câu chuyện rằng tài chính công đang chịu áp lực”.

Doanh thu dầu khí của Nga trong 2 tháng đầu năm giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu dầu khí của Nga trong 2 tháng đầu năm giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Nền kinh tế Nga thể hiện khả năng chống chịu tốt khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây vào năm ngoái, nhờ nguồn thu dồi dào từ dầu mỏ và khí đốt đắt đỏ. GDP giảm 2,1% trong năm ngoái, theo dữ liệu chính phủ, thấp hơn nhiều so với một số dự báo giảm 10-15% ở đầu cuộc xâm lược. Nhưng các biện pháp trừng phạt dầu mỏ của phương Tây, đưa ra vào tháng 12, cũng như việc Nga ngừng xuất khẩu hầu hết khí đốt sang châu Âu trong nửa cuối năm ngoái, đã gây ra sự thay đổi lớn đối với ngân sách nhà nước.

Trong khi Nga vẫn bán được dầu bằng cách chuyển hướng sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, giá bán giảm do Moscow mất khả năng thương lượng trên thị trường toàn cầu. Theo Bộ Tài chính Nga, dầu Urals hàng đầu của nước này giao dịch ở mức dưới 50 USD/thùng trong tháng 2, bị chiết khấu sâu so với dầu thô Brent chuẩn toàn cầu có giá khoảng 80 USD/thùng.

Để giảm tổn thất cho ngân sách, Moscow tìm cách tăng thuế thu từ bán dầu khi một số nhà phân tích nói rằng một số thùng dầu đang được giao dịch ở mức giá cao hơn so với báo cáo. Tháng trước, chính phủ Nga ấn định mức chiết khấu để đánh thuế dầu Urals từ tháng 4 thay vì dựa vào ước tính thị trường như hiện tại.

Nga thường phụ thuộc vào doanh thu dầu khí cho khoảng 45% thu ngân sách. Dữ liệu công bố hôm thứ Hai cho thấy nguồn thu từ dầu khí giảm trong 2 tháng đầu năm khiến tổng thu ngân sách giảm khoảng 1/4.

Trong khi đó, cuộc chiến ở Ukraine tiếp tục làm tăng chi tiêu chính phủ. Dữ liệu mới cho thấy chi tiêu nhà nước tăng 51,5% trong 2 tháng đầu năm so với năm ngoái. Trong những tháng gần đây, các nhà máy của Nga làm thêm giờ để bắt kịp nhu cầu về vũ khí và thiết bị quân sự, và Tổng thống Vladimir Putin nói rằng không có giới hạn tài trợ nào cho quân đội Nga.

Mặc dù thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, chính phủ vẫn có khả năng để đối phó. Bộ Tài chính cho biết họ đã thanh toán trước nhiều khoản chi cho đầu năm và kỳ vọng bức tranh ngân sách cải thiện trong những tháng sau. Ngoài ra, bằng cách tìm kiếm thêm những người mua dầu mới, Nga vẫn có thể hưởng lợi từ việc giá dầu toàn cầu tăng, ngay cả khi bán với chiết khấu. Trong khi đó, việc sản xuất thiết bị quân sự đang tạo việc làm và thúc đẩy ngành sản xuất.

Nhưng thâm hụt ngày càng trầm trọng làm tăng áp lực buộc chính phủ vay thông qua phát hành trái phiếu, có thể làm trầm trọng thêm lạm phát vốn đã cao. Chính phủ khởi động lại các cuộc đấu giá trái phiếu trong nước những tháng gần đây để bù đắp thâm hụt ngân sách.

Chính phủ cũng đang rút tiền từ Quỹ tài sản quốc gia – một quỹ chống khủng hoảng được tạo ra từ doanh thu bán dầu khí trước đó. Vào ngày 1/3, Quỹ này có giá trị 147 tỷ USD, tương đương 7,4% GDP dự kiến, giảm từ 175 tỷ USD, tương đương 10,2% GDP trước cuộc xâm lược.

Năm ngoái, Nga ghi nhận mức thâm hụt ngân sách bằng 2,3% GDP. Chính phủ Nga dự kiến thâm hụt ngân sách trong năm nay dựa trên giá dầu 70 USD/thùng. Nhiều nhà phân tích dự đoán thâm hụt sẽ vượt quá 3% GDP trong năm nay. Bản thân chính phủ Nga dự kiến thâm hụt ít nhất cho đến năm 2025.