VNReport»Kinh tế»Ngành da giày đón sóng chuyển dịch sản xuất ra ngoài Trung Quốc

Ngành da giày đón sóng chuyển dịch sản xuất ra ngoài Trung Quốc

17:10 - 21/10/2022

Ngành da giày Việt Nam đang có nhiều khả năng là làn sóng tiếp theo của sự dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Điểm đến hấp dẫn doanh nghiệp nước ngoài

Mặc dù, Trung Quốc hiện tại vẫn là nhà sản xuất giày dép lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là nước chi tiêu nhiều nhất cho mặt hàng này. Song, trong bối cảnh hiện nay, ảnh hưởng bởi mức lương tăng và chính sách Zero Covid của Trung Quốc đã buộc các nhà sản xuất giày dép phải dần chuyển hoạt động của họ ra nước ngoài.

Trước đó vào tháng 9/2021, Trung Quốc đã đóng cửa trung tâm đóng giày Phủ Điền sau 139 ca lây nhiễm virus. Trung tâm này có đến hơn 500.000 công nhân và 4.200 nhà sản xuất giày cho các thương hiệu quốc tế và địa phương, với công suất 1,3 tỷ đôi giày mỗi năm. Bên cạnh đó, các vụ phong toả khác ở Thượng Hải cũng tác động đáng kể đến chuỗi cung ứng giày dép.

Ngành da giày Việt Nam hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc

Trong khi Trung Quốc vẫn áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hấp dẫn khi có những cách tiếp cận phòng chống dịch cởi mở hơn và các quy định về kiểm dịch nhập cảnh vào Việt Nam đã được bãi bỏ.

Ngoài ra, chi phí lao động của Việt Nam chỉ bằng một nửa chi phí lao động của Trung Quốc, ở mức 2,99 USD (68.000 đồng) mỗi giờ so với 6,50 USD (148.000 đồng) mỗi giờ tương ứng của Trung Quốc.

Bên cạnh chi phí lao động thấp hơn, Việt Nam cũng đã ký kết các hiệp định thương mại lớn, giảm thuế quan và các rào cản thương mại cho các thị trường lớn. Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đã góp phần giúp xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Canada và Mexico tăng cao.

Theo các chuyên gia phân tích, Việt Nam không có nhu cầu nội địa bằng Trung Quốc, nhưng ngành công nghiệp giày dép đang bùng nổ với việc xuất khẩu hàng tỷ đôi giày mỗi năm. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi khi các nhà sản xuất giày dép chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang nước láng giềng phía nam.

Trên thực tế, các thương hiệu lớn như Nike và Adidas đã chọn Việt Nam là cơ sở sản xuất chính của họ. Hiện Nike có hơn 100 nhà cung cấp tại Việt Nam, với 96 nhà máy tập trung ở miền Nam. Trong khi Adidas cũng chọn Việt Nam là khu vực sản xuất chính, với khoảng 40% tổng sản lượng giày dép đến từ Việt Nam vào năm 2019 (theo báo cáo thường niên năm 2020).

Trong giai đoạn 2022-2031, sản xuất và xuất khẩu giày dép của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) lên tới 8,1% trong 9 năm tới. Đến năm 2031, Tổ chức Nghiên cứu và Thị trường kỳ vọng thị trường giày dép Việt Nam sẽ đạt giá trị khổng lồ 38,7 tỷ USD – cao gấp đôi so với ước tính năm 2022 là 19,1 tỷ USD. Đây được xem là tín hiệu lạc quan, giúp vị thế của ngành da giày Việt Nam được định vị lại trên bản đồ thế giới.

Thách thức vẫn ở phía trước

Dù ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan song ngành công nghiệp da giày được cho là vẫn đang trong giai đoạn phục hồi kể từ cuối năm 2021. Bên cạnh nguồn lao động chưa hồi phục hoàn toàn, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh kinh doanh từ các quốc gia Đông Nam Á đang phát triển khác, bao gồm Indonesia và Malaysia.

Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may, da, giầy Việt Nam còn ở mức trung bình, mới chỉ đạt 2,73/5 điểm. Các doanh nghiệp trong ngành chưa liên kết chặt chẽ với nhau.

Đánh giá về tình hình những tháng cuối năm 2022, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho rằng, dự báo xuất khẩu của ngành da giày không được lạc quan bởi những bất lợi của tình hình kinh tế thế giới đã tác động mạnh đến ngành. Các thị trường xuất khẩu chính của da giày là EU, Mỹ đều đang chịu lạm phát gia tăng khiến người dân giảm chi tiêu, thị trường tiêu dùng sụt giảm, ảnh hưởng đến sức mua chung. Các thị trường tiêu thụ chậm, cùng đó là việc gián đoạn chuỗi cung ứng khiến ngành da giày đang đối mặt với thách thức lớn là hàng tồn kho khá lớn.

Bà Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, để vượt qua khó khăn này, bản thân các doanh nghiệp cần đa dạng hoá từ nguồn cung cho đến các thị trường xuất khẩu, không nên tập trung một số thị trường.

Ngành da giầy đặt kỳ vọng cán mốc xuất khẩu 20 tỷ USD trong năm 2022, tăng 12,7% so với năm 2021. Để đạt được mục tiêu này, theo chuyên gia, các doanh nghiệp trong ngành cần lưu ý đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, vì hiện nay, một lượng nguyên liệu lớn cho ngành vẫn phải nhập khẩu. Bên cạnh đó, duy trì yếu tố chất lượng vẫn là vấn đề then chốt.

“Với doanh nghiệp và với chính sách nhà nước, đã đến lúc chúng ta phải có Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày, qua đó có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp hai ngành xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp trong giai đoạn tới đây. Đồng thời, phát triển dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững, như môi trường xanh, sạch để bắt kịp với xu hướng của thế giới, vừa đảm bảo ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng, xuất khẩu một cách bền vững hơn…” – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam nhận định.