VNReport»Sự kiện & Bình luận»Ngành dầu mỏ Nga tăng trưởng mạnh bất chấp lệnh trừng phạt

Ngành dầu mỏ Nga tăng trưởng mạnh bất chấp lệnh trừng phạt

13:45 - 16/02/2023

Dù phải đối mặt với hàng loạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây, năng lực sản xuất dầu mỏ của Nga vẫn tăng trưởng vượt trội.

Bất chấp những hạn chế xuất khẩu toàn diện đối với thiết bị, công nghệ và dịch vụ cho ngành năng lượng do phương Tây áp đặt, ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga vẫn tiếp tục hoạt động như trước đây và thậm chí đạt được mức tăng trưởng kỷ lục.

Theo Vitaly Mikhalchuk, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu tại Business Solutions and Technologies, Nga gần như bảo toàn được hầu hết tài sản, công nghệ và năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dầu mỏ.

Bloomberg cũng cho biết trong năm 2022, các công ty dầu mỏ của Nga đã có hoạt động kinh doanh cũng như khai thác vượt trội, không có dấu hiệu bị tổn hại bởi các lệnh trừng phạt quốc tế hoặc sự rút lui của một số công ty phương Tây.

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga vẫn tăng trưởng bất chấp lệnh trừng phạt

Theo dữ liệu Bloomberg thu thập, các giàn khoan dầu của Nga đã khoan tổng độ sâu hơn 28.000 km vào năm ngoái, mức nhiều nhất trong hơn một thập niên. Các giếng khoan dầu cũng tăng gần 7% lên trên 7.800, với nhiều công ty dầu chủ chốt đều công bố kết quả kinh doanh năm 2022 tốt hơn năm 2021.

Cách đây vài ngày, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cho biết sản lượng dầu của Nga lên tới 535,2 triệu tấn vào năm 2022, tăng 2% so với năm trước đó. Xuất khẩu dầu cũng tăng 7,6% lên 242 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu sang các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng 42 triệu tấn/năm.

Mặc dù các nhà kinh tế cũng từng nhiều lần cho rằng hiện tại chưa thể đánh giá đầy đủ được tác động của các lệnh cấm vận đối với Nga, đặc biệt là biện pháp cấm vận dầu mỏ và áp giá trần gần đây, nhưng ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga vẫn đối diện với các thách thức khác.

Một trong số những khó khăn của Nga phải kể đến là chưa có khả năng dự trữ dầu mỏ ở lượng lớn. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt công nghệ để phát triển dầu khí ngoài khơi cũng gây trở ngại lớn đến ngành khai thác dầu mỏ Nga.

Mặ khác, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ giảm mạnh đã tác động trực tiếp đến nguồn cung từ Nga. Từ đó, Nga đang phải bán dầu cho các đối tác với giá còn thấp hơn mức giá trần. Mức giá trần cũng đã góp phần khiến các đối tác dựa vào đó để ép Nga tăng mức chiết khấu.

Dù đã thực hiện nhiều cách giải quyết khác nhau, chẳng hạn như bán dầu cho bên thứ ba, trộn dầu với các nguồn cung cấp khác sau đó bán lại cho châu Âu… nhưng các biện pháp này vẫn vô cùng tốn kém và thực tế rằng Nga hiện đang phần lớn phụ thuộc vào Trung Quốc và Ấn Độ để duy trì khối lượng bán hàng của mình.

Mới đây, Nga tuyên bố sẽ cắt giảm 5% sản lượng dầu, tương đương 500.000 thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 3 tới đây để đáp trả lại lệnh cấm vận mà Mỹ và phương Tây áp lên dầu Nga.

Tuy nhiên, động thái này được cho là đã không còn nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới như đã từng xảy ra năm ngoái. Sau tuyên bố của Nga, giá dầu thô Brent chỉ tăng khoảng 2%, lên 86,39 USD/thùng vào cuối tuần qua.