VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Ngành thép thua lỗ nặng

Ngành thép thua lỗ nặng

17:33 - 02/02/2023

Loạt doanh nghiệp thép “chốt” năm 2022 với những kết quả thua lỗ nặng nề.

Kết thúc năm 2022, trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ giảm mạnh, ngành thép nhận kết quả không mấy khả quan như dự đoán.

Cụ thể, so với năm 2021, Tổng Công ty Thép Việt Nam ghi nhận doanh thu giảm 5,2% xuống 38.477 tỷ đồng và tiếp tục lỗ 822 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên Thép Việt Nam có lợi nhuận âm kể từ năm 2014.

Đối với CTCP Thép Nam Kim, lũy kế năm 2022, doanh thu thuần đạt 23.071 tỷ đồng, giảm 18% so với năm ngoái. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh xuống âm 66,7 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 2.225 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn Hoa Sen cũng ghi nhận sự tăng trưởng âm khi trong kỳ từ 1/10 – 31/12/2022 lỗ 680 tỷ đồng, tương đương giảm 207% so với cùng kỳ, doanh thu thuần đạt 7.917 tỷ đồng, giảm 53,2%.

Sản lượng tiêu thụ ngành thép năm 2022 giảm mạnh

CTCP Thép Pomina vừa chính thức báo lỗ ròng 1167 tỷ đồng năm 2022 trong khi năm 2021 có lãi hơn 206 tỷ đồng. Như vậy với mức lỗ này Pomina hiện đang giữ vị trí doanh nghiệp thua lỗ nhiều nhất của ngành thép trong năm 2022.

Đáng chú ý nhất phải kể đến “anh cả ngành thép” Hòa Phát khi ghi nhận khoản lỗ ròng kỷ lục hơn 2.000 tỷ đồng trong quý 4/2022, tiếp nối đà thua lỗ gần 1.800 tỷ trong quý 3/2022 trước đó. Lũy kế cả năm 2022, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 142.000 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt hơn 8.400 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 so với thực hiện năm 2021.

Bức tranh ảm đạm của ngành thép trong năm 2022 xuất phát từ sản lượng tiêu thụ đi xuống kết hợp với giá liên tục sụt giảm đã ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu của các doanh nghiệp thép. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ sản phẩm thép năm 2022 đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021. Tổng xuất khẩu là 6,28 triệu tấn, giảm gần 20%.

Thép xây dựng là mặt hàng duy nhất ghi nhận sản lượng tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tiêu thụ tôn mạ giảm 22% chủ yếu do thị trường xuất khẩu suy yếu tới 38%. Tình hình bán hàng các sản phẩm hạ nguồn như tôn mạ và ống thép đều ảm đạm khiến sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) cũng giảm hơn 13%.

Phân tích về triển vọng ngành thép năm nay, VNDirect cho rằng các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn sẽ đối diện với loạt khó khăn khi nhu cầu xây dựng giảm, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng… Kỳ vọng của ngành thép năm nay là giải ngân đầu tư công dự kiến tăng 20-25% so với năm 2022.

Về phía xuất khẩu, trợ lực của ngành là giá thép có thể ít biến động hơn do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc ổn định sau khi mở cửa với nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, phục hồi thị trường bất động sản. Tựu trung, ngành thép vẫn khó khăn ở nửa đầu năm và chỉ thực sự khởi sắc vào nửa sau của năm nay.