VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Ngay cả khi giá nhà giảm một nửa, nhiều người lao động vẫn khó có khả năng mua nhà

Ngay cả khi giá nhà giảm một nửa, nhiều người lao động vẫn khó có khả năng mua nhà

17:08 - 17/12/2024

Năm 2024, thị trường nhà ở tiến triển tích cực hơn năm trước khi nguồn cung căn hộ mới xuất hiện từ nửa cuối năm, và phần lớn là các sản phẩm cao cấp. Tuy nhiên, việc mua nhà với nhiều người thuộc nhóm thu nhập trung bình, thu nhập thấp vẫn là một bài toán khó.

Mới đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đã công bố dữ liệu nghiên cứu về giá nhà. Theo đó, trong suốt thập kỷ qua, giá nhà ở đã tăng trưởng bình quân hai chữ số mỗi năm.

Đáng nói là từ năm 2018 đến nay, thị trường bất động sản bị kiểm soát bởi các chính sách liên quan đến vốn cùng các quyết định của cơ quan, ban ngành đã khiến nguồn cung nhà ở bị sụt giảm nghiêm trọng. Trong bối cảnh đó, nhu cầu của người dân về nhà ở vẫn không ngừng tăng cao, dẫn đến kịch bản giá bất động sản, giá nhà ở ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chính Minh và các khu vực kinh tế trọng điểm tăng mạnh, cách xa thu nhập của người dân.

Thực trạng này khiến việc sở hữu nhà ở từ nguồn cung nhà ở thương mại trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Chính vì thế, với người lao động thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân, giáo viên, hoặc nhân viên văn phòng mới đi làm, việc đến khi nào mới có thể sở hữu một căn nhà vẫn là bài toán chưa có lời giải. Với mặt bằng giá BĐS hiện tại, ngay cả khi giá nhà giảm một nửa, nhiều người thuộc nhóm thu nhập trung bình và thu nhập thấp vẫn khó có khả năng mua nhà.

Giá nhà ở đã tăng trưởng bình quân hai chữ số mỗi năm

Chưa kể đến, theo số liệu từ Ngân hàng (NH) Nhà nước, tính đến hết tháng 9-2024, dư nợ cho vay mua nhà chỉ tăng 4,6%, thấp hơn nhiều so với tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Sự tăng trưởng chậm này phản ánh nhu cầu vay vốn để mua nhà vẫn chưa cao, dù các NH đã đồng loạt giảm lãi suất và đưa ra các chính sách ưu đãi nhằm thu hút người vay.

Giá bất động sản cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân khiến người dân không còn mặn mà với việc vay tiền mua nhà, dù lãi suất cho vay giảm. Các phân khúc nhà ở bình dân gần như không còn nhiều, đặc biệt là tại TP HCM và Hà Nội, nơi 80% các dự án mở bán trong năm 2024 thuộc phân khúc cao cấp. Giá nhà cao đã đẩy chi phí sống của người dân lên quá mức, khiến việc vay mua nhà trở nên khó khăn. Thậm chí, việc tiết kiệm để mua một căn nhà tại khu vực đô thị đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành một mục tiêu rất xa vời với nhiều người.

Trong bối cảnh đó, người dân có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đã chờ đợi vào nhà ở xã hội (NƠXH). Tuy nhiên, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn theo dõi sát sao, chỉ đạo, điều hành tích cực, nhưng do thiếu quỹ đất, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, không thu hút được chủ đầu tư, thủ tục hành chính rườm rà,… dẫn đến khó phát triển các dự án NƠXH này.

Để giải quyết khó khăn này, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng, để cân bằng cán cân cung – cầu.

Hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương cần tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho việc phát triển nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các dự án nhà ở. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp hướng đến việc tăng cường nguồn cung nhà ở giá rẻ, cải thiện hạ tầng vùng ven và xây dựng các chính sách tài chính hỗ trợ hiệu quả.

Về phía người dân, cần sớm có kế hoạch quản lý tài chính cá nhân hướng đến mục đích mua nhà. Lập ngân sách, phân chia thu nhập cho các mục đích cụ thể, tích luỹ tài chính,… là những việc cần làm càng sớm càng tốt để có một khoản cho mục tiêu mua nhà. Đồng thời, tìm hiểu thị trường bất động sản thật kỹ, chọn mua nhà phù hợp với nhu cầu của mình. Cố gắng cân đối để lựa chọn những sản phẩm với tiêu chuẩn phù hợp để hài hòa giữa khả năng và mong muốn.

https://cafef.vn/ngay-ca-khi-gia-nha-giam-mot-nua-nhieu-nguoi-lao-dong-van-kho-co-kha-nang-mua-nha-188241216144409097.chn