VNReport»Kinh tế»Nghịch lý của thị trường lao động Việt Nam

Nghịch lý của thị trường lao động Việt Nam

15:43 - 07/12/2022

Thị trường lao động Việt Nam đang trên đà hồi phục tích cực song chưa bền vững. Trong khi nhiều doanh nghiệp đang “chạy đua” tuyển dụng lao động để dồn lực cho các hoạt động sản xuất cao điểm, không ít công ty cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng những tháng cuối năm.

Thị trường lao động trên đà hồi phục

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động, số người có việc làm quý 3/2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Lao động trong cả ba khu vực kinh tế đều tăng lên so với quý trước. Đơn cử, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,8 triệu, tăng 255,2 nghìn người so với quý trước và tăng 3,5 triệu người so với quý 3/2021 (quý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19).

Thu nhập bình quân của người lao động tăng khá ở cả ba khu vực kinh tế. Trong đó, tăng mạnh nhất ở lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, mức 13,7% so với 9 tháng năm 2021, tương ứng tăng khoảng 900.000 đồng. Tiếp đến, lao động làm việc trong khu vực dịch vụ tăng 11,5%, tương ứng tăng 805.000 đồng. Lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng thu nhập bình quân thấp nhất, tăng 7,6%, tương ứng tăng 271.000 đồng.

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động cũng tiếp tục giảm so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là gần 1,08 triệu người, giảm 251.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 9 tháng năm 2022 là 2,35%, giảm 0,64 điểm phần trăm.

Thị trường lao động Việt Nam phục hồi chưa bền vững.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội Đào Ngọc Dung, lực lượng lao động của Việt Nam phục hồi nhanh. Thị trường lao động trở lại bình thường, phục hồi nhanh hơn so với dự báo của các tổ chức quốc tế và dự tính của Việt Nam. Đến nay, quy mô lao động cả nước đạt 51,9 triệu người, tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động đạt 68,7%, tỷ lệ thất nghiệp trong quý 3/2022 và gần hết tháng 10 là 2,28%.

Như vậy, Việt Nam thuộc các quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp. Với đà phục hồi, nhìn chung tình hình lao động việc làm quý 4/2022 và cả năm sẽ là bức tranh có nhiều mảng sáng.

Nghịch cảnh thừa thiếu lao động

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao… nhiều đơn hàng bị cắt giảm vào cuối năm, thị trường lao động đang bộc lộ những dấu hiệu bất ổn. Khác với sự bận rộn tấp nập vào dịp cuối năm khi các công ty hối hả hoàn thành các chỉ tiêu, hiện tại, không khí trầm lắng, chậm chạp diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ở địa bàn phía Nam.

Tình trạng cắt giảm lao động năm nay khiến nhiều người nhận định còn tệ hơn cả năm ngoái, khi đại dịch hoành hành. Không còn hình ảnh thường thấy dịp cuối năm, thời điểm công nhân tăng ca liên tục để kịp đơn hàng, hàng loạt doanh nghiệp cắt giảm lao động, giảm giờ làm, thậm chí cho công nhân nghỉ Tết sớm.

Thông thường mọi năm, hình ảnh công nhân đón xe về quê chỉ xuất hiện vào dịp 29-30 tháng Chạp, năm nay còn gần hai tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán song dòng công nhân đổ về quê khá đông. Dọc quốc lộ 13, đoạn đi qua TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) xuất hiện nhiều nhóm thanh niên mang theo hành lý đứng chờ đón xe khách về quê. Họ chủ yếu là công nhân ở miền Bắc, miền Trung vào Bình Dương mưu sinh. Công ty cắt giảm lao động, họ mất việc dịp cận Tết nên khó tìm việc mới, buộc lòng phải về quê.

Ông Kiều Văn Đồng – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH gỗ Lee Fu (khu công nghiệp Tam Phước, TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết doanh nghiệp có khoảng 1.700 lao động. Việc kinh doanh khó khăn, không có đơn hàng nên gần đây công ty buộc phải cắt giảm lao động.

Năm ngoái công ty chỉ giảm khoảng 100 người nhưng đến nay con số này là hơn 1.000, hiện còn khoảng 650 người. Dù cắt giảm gần 60% lao động, doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Trên địa bàn TP HCM, vì không có đơn hàng sản xuất, công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân) vào đầu tháng 11 cũng có thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 công nhân.

Nhiều doanh nghiệp phải cho lao động nghỉ việc, nghỉ việc luân phiên là khó khăn trong bối cảnh chung của thế giới có những tác động, ảnh hưởng đến tình hình phát triển, sản xuất kinh doanh của các đơn vị doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khu vực phía Nam.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua báo cáo của 25 địa phương, đơn vị, ngành có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống, ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày, một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…

Trái ngược với làn sóng cắt giảm hàng loạt tại phía Nam, tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động với nhiều chế độ hấp dẫn song không dễ tuyển được người. Ghi nhận tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 7 tỉnh, thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hòa Bình và Lào Cai do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức ngày 8/11 thu hút sự tham gia của 104 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng hơn 13.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên nhiều lao động chưa ưu tiên chuyển việc trong thời điểm này.

Bà Đỗ Thùy Linh – Giám đốc tuyển dụng Công ty kết nối nhân lực Worklink Việt Nam đánh giá, cuối năm rơi vào cao điểm Tết, do đó sau một năm làm việc người lao động đều mong muốn nhận được thưởng, nên chuyển việc là điều các ứng viên chưa ưu tiên mà thường sẽ để qua Tết.

Bà Linh cho biết tất cả các lĩnh vực như thương mại dịch vụ, đặc biệt là mảng sản xuất đang rất thiếu người. Nhiều đơn vị do yêu cầu vừa mở rộng sản xuất sau dịch, vừa có kế hoạch mới trong năm tới nên cần rất nhiều nhân sự.

Ông Vũ Quang Thành – Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá về mặt bằng chung thị trường lao động phía Bắc vẫn sôi động, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao. Đây cũng là quy luật chung của thị trường, do thời điểm cuối năm tập trung những những ngày lễ lớn như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, do yêu cầu về việc hoàn thiện các đơn hàng nên việc tuyển dụng và sử dụng lao động trong các doanh nghiệp cũng có những sự sôi động nhất định, số lượng tăng hơn so với những tháng trước đây.

Lấp lỗ hổng thị trường

Việt Nam hội nhập rất sâu rộng với độ mở nền kinh tế hơn 200% GDP. Điều này đồng nghĩa rằng kinh tế toàn cầu “nóng” hay “lạnh” đều ảnh hưởng. Theo chuyên gia Vũ Ngọc Bảo thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam mạnh hơn khi xuất hiện những cú sốc, biến động trên thị trường.

Điều này đúng với việc phần lớn doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam hoạt động trong những lĩnh vực thâm dụng lao động cao. Nhiều khu công nghiệp được thành lập, nhiều nhà máy được xây dựng và khi các công ty trong chuỗi giá trị toàn cầu gia tăng hay thu hẹp sản xuất, chắc chắn ít nhiều tác động đến thị trường lao động trong nước.

Hiện tại, biến động tỷ giá, lạm phát, lãi suất tăng, dự báo kinh tế ảm đạm khiến người dân nhiều nước buộc phải thắt chặt chi tiêu, lượng hàng hóa tồn kho tăng và các hãng cắt giảm sản xuất. Trên thế giới, nhiều tập đoàn lớn phải cắt giảm sâu nhân viên và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài thực trạng này. Vấn đề chỉ là mức độ ảnh hưởng đến đâu và sức chống chịu ra sao.

Chuyên gia Vũ Ngọc Bảo cho rằng, đây là lúc các cơ quan ở địa phương cần bám sát tình hình sản xuất, vấn đề an sinh xã hội cho người lao động, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp cũng như công nhân, đặc biệt cần tăng cường công tác quản lý để đảm bảo doanh nghiệp nào sa thải công nhân phải làm đúng luật, đảm bảo người lao động bị mất việc do công ty thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh (do không có đơn hàng) sẽ được hưởng các khoản trợ cấp theo quy định, như là trợ cấp mất việc (Điều 42 Bộ luật Lao động 2019), trợ cấp thất nghiệp (Điều 50 Luật Việc làm 2013).

Địa phương cũng cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ việc làm thông qua hoạt động hướng nghiệp, đào tạo và đào tạo lại tay nghề phù hợp với nhu cầu thị trường.

Về lâu dài, thực hiện chiến lược tăng trưởng kinh tế được vạch ra, Việt Nam cần phát triển mạnh các doanh nghiệp sản xuất nội địa, phát triển thị trường trong nước, đa dạng hóa thị trường hơn nữa và giảm phụ thuộc vào khu vực FDI.

Tại hội nghị “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” hồi tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 9 nhóm giải pháp phát triển thị trường lao động, trong đó có vấn đề tập trung phát triển lao động có kỹ năng, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, có thu nhập cao.

Đây là những định hướng quan trọng để phát triển thị trường lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thời gian tới. Việc thúc đẩy tạo việc làm bền vững là hướng đi cần thiết trước các biến động phức tạp, khó dự báo của tình hình thế giới hiện nay cũng như đưa Việt Nam tránh “bẫy” lao động giá rẻ.