VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Nhà đấu giá hủy bán tác phẩm của Nga

Nhà đấu giá hủy bán tác phẩm của Nga

14:30 - 17/03/2022

Các nhà đấu giá Christie’s, Sotheby’s và Bonhams hủy bỏ việc bán các tác phẩm nghệ thuật của Nga ở London vào tháng 6. Đây là một phần trong phản ứng của thị trường nghệ thuật đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga trước “chiến dịch quân sự đặc biệt” […]

Các nhà đấu giá Christie’s, Sotheby’s và Bonhams hủy bỏ việc bán các tác phẩm nghệ thuật của Nga ở London vào tháng 6. Đây là một phần trong phản ứng của thị trường nghệ thuật đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga trước “chiến dịch quân sự đặc biệt” của nước này ở Ukraine.

Các nhà đấu giá tổ chức bán các tác phẩm nghệ thuật Nga vào tháng 6 và tháng 11 trong “Tuần lễ nghệ thuật Nga”, thu hút những nhà tài phiệt Nga đến tham gia.

Các trung tâm đấu giá hủy bán tác phẩm nghệ thuật của Nga ở London.

Sotheby’s cho biết ngừng bán tác phẩm nghệ thuật Nga ở London vào tháng 6 và từ chối bình luận về lý do cho động thái này.

Christie’s cũng cho biết hủy bỏ việc bán tác phẩm nghệ thuật của Nga vào tháng 6. Lý do mà bên này đưa ra là sự bất ổn và khó dự đoán về tương lai của cuộc chiến tranh ở Ukraine, cũng như các yêu cầu pháp lý và hậu cần phức tạp liên quan đến các lệnh trừng phạt.

Christie’s cho biết trong một tuyên bố của họ rằng: “Mặc dù thị trường bán hàng hiện tại của Christie’s ở Nga nói chung là tương đối nhỏ, nhưng chúng tôi vẫn có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, các sự kiện địa chính trị hiện nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi”. Nhà đấu giá này phát biểu thêm rằng họ đang thực hiện “thẩm định nâng cao” đối với những cá nhân có liên quan tới chính trị và những người có liên quan đến các khu vực pháp lý bị trừng phạt.

Nhà đấu giá Bonhams cũng từ chối cung cấp thông tin về lý do cho quyết định của mình.

Các nước phương Tây đang thực hiện những bước đi chưa từng có để trừng phạt kinh tế và cắt đứt quan hệ với Nga. Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp này, một số tổ chức và nhà cố vấn tin rằng thị trường nghệ thuật quốc tế nói chung khó có khả năng bị ảnh hưởng. Vì số lượng người mua của Nga đã giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và chỉ chiếm một phần nhỏ trong thị trường.

Theo Sebastian Duthy, Giám đốc điều hành của Art Market Research, doanh số bán các tác phẩm nghệ thuật của Nga đạt 37,7 triệu bảng Anh (49,6 triệu USD) tại các phòng bán của Sotheby’s và Christie ở London vào năm 2021, chưa bằng 1% doanh thu. Sotheby’s và Christie’s không đưa ra xác nhận về con số này.

Trong khi các nhà đấu giá chỉ đối mặt với rất ít ảnh hưởng về tài chính thì hoạt động kinh doanh đang trở nên phức tạp hơn đối với các nhà sưu tập nghệ thuật Nga cũng như những đối tác của họ. Các cố vấn thị trường nghệ thuật cho rằng, những đối tác này đang nêu lên mối lo ngại khi vô tình giao dịch với những người Nga có nguy cơ bị đưa vào danh sách trừng phạt.

Barbara Guggenheim, một đối tác tại Mỹ, cho biết: “Điều đó gây khó khăn cho người Nga. Các khách hàng và đối tác của họ cũng vậy, vì đâu ai muốn bị bắt gặp khi mua thứ gì đó từ người Nga.”

Luật sư mảng nghệ thuật tại New York, Thomas Danziger, nói rằng ông đang khuyên khách hàng nên cảnh giác khi thực hiện các giao dịch với những người Nga có thể lọt vào danh sách trừng phạt trong tương lai. Ông Danziger nói: “Chúng tôi đã đưa lời khuyên cho một khách hàng đang cân nhắc khoản vay cho một viện bảo tàng của Nga” vì lo ngại các tác phẩm nghệ thuật có thể bị mắc kẹt ở đó: “Khi các lệnh trừng phạt của phương Tây gia tăng, chúng tôi nghĩ rằng có nguy cơ các tác phẩm nghệ thuật của khách hàng có thể đi một chiều đến Nga và cuối cùng bị chính phủ ở đó tịch thu.”

Hiện vẫn chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào xác định sự cố này xảy ra.

Một số nhà sưu tập nghệ thuật Nga và các nhà tài phiệt giữ thái độ dè chừng để không thu hút sự chú ý về mình.

Người phát ngôn của nhà đấu giá Phillips ở London cho biết, mặc dù họ không tổ chức một đợt bán cụ thể nào cho Nga, nhưng họ đã tăng cường thẩm định: “Chúng tôi luôn cảnh giác cao độ và ngay bây giờ chúng tôi tất nhiên phải hết sức cảnh giác.”

Đầu tháng này, Matthew Girling, cựu Giám đốc điều hành của Bonhams, nói với Art Newspaper rằng mọi người nên tẩy chay Phillips, công ty thuộc sở hữu của người Nga Leonid Friedland và Leonid Strunin. Friedland và Strunin cũng sở hữu Mercury Retail Group, một trong những nhà bán lẻ hàng xa xỉ lớn nhất ở Nga.

Phillips không bình luận về lời kêu gọi tẩy chay.

Cuộc bán đấu giá tại London của Phillips vào ngày 3/3 không có dấu hiệu đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, nhà đấu giá này cho biết họ đã quyên góp 5,8 triệu bảng Anh (7,59 triệu USD) thu được từ hoa hồng và phí bảo hiểm của người mua cho Hội Chữ thập đỏ Ukraine.