VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»“Việt Nam là bệ phóng khởi nghiệp cho khu vực”

“Việt Nam là bệ phóng khởi nghiệp cho khu vực”

18:33 - 21/09/2022

Theo các chuyên gia đầu tư mạo hiểm, các nhà khởi nghiệp trong khu vực đang chú ý đến Việt Nam như một bệ phóng lý tưởng cho doanh nghiệp của mình.

Các nhà đầu tư mạo hiểm (VC) đang để mắt đến Việt Nam như một điểm đến để rót vốn. Theo Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã huy động được mức kỷ lục 1,4 tỷ USD thông qua 165 thương vụ vào năm ngoái. Con số đó tăng từ 894 triệu USD và 126 giao dịch vào năm 2019 – một dấu hiệu cho thấy hoạt động trên thị trường lấy lại động lực sau một đợt sụt giảm ngắn do Covid-19 gây ra vào năm 2020.

Bình Trần – đồng sáng lập và đối tác quản lý của Ascend Vietnam Ventures (AVV) – giải thích rằng các nhà khởi nghiệp trên toàn khu vực đang chú ý đến Việt Nam như một bệ phóng lý tưởng cho doanh nghiệp của mình.  “Hệ sinh thái công nghệ của Việt Nam còn tương đối non trẻ, từ 6 đến 7 năm tuổi, vì vậy các cơ hội VC chủ yếu dựa vào vòng hạt giống”, ông Trần nói, nhắc đến mục tiêu năm 2016 của chính phủ là đạt 1 triệu công ty khởi nghiệp vào năm 2020 như một bước ngoặt.

Mặc dù mục tiêu đó có thể quá tham vọng, nhưng nó thể hiện ý muốn thúc đẩy và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp non trẻ, đồng thời quảng bá về nền kinh tế kỹ thuật số, ông giải thích. Kể từ đó, mục tiêu được hỗ trợ bằng việc giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp, cùng với bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định.

Nhưng dân số 100 triệu của Việt Nam – tương đối nhỏ so với 280 triệu của Indonesia hay 1,4 tỷ của Trung Quốc – có nghĩa là các công ty cần phải nhìn xa hơn thị trường nội địa để tăng quy mô, ông cho biết. “Các giải pháp đến từ Việt Nam sẽ không chỉ phục vụ châu Á mới nổi, một số giải pháp này sẽ là những công ty hàng đầu toàn cầu đánh bại Thung lũng Silicon”, ông nói với FinanceAsia.

Thị trường Việt Nam có một số yếu tố được cho là tương đồng với Trung Quốc.

Thị trường Việt Nam có một số yếu tố được cho là tương đồng với Trung Quốc.

AVV – đã đóng quỹ đầu tiên của mình vào tháng 6 năm nay vượt mục tiêu 50 USD – nằm trong làn sóng các nhà đầu tư mạo hiểm mới tiến vào thị trường. Họ cũng bao gồm GGV Capital, mở 2 văn phòng tại Việt Nam vào tháng 5 năm nay; Mekong Capital, công ty đóng một quỹ 246 triệu USD vào năm ngoái; và VinaCapital, có mặt tại Việt Nam từ năm 2003.

Các yếu tố khiến đất nước hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài bao gồm tăng trưởng GDP mạnh mẽ – khoảng 7%/năm trong 2 thập kỷ trước Covid-19, dự báo là 7,5% vào năm 2022 – và lực lượng lao động trẻ thành thạo tiếng Anh và có kỹ năng.

Ngoài ra, ông Trần cũng nhấn mạnh về sự vắng mặt của các tập đoàn lớn hoặc các gia đình đóng vai trò là rào cản gia nhập đối với các công ty khởi nghiệp mới. Ngược lại, những “người gác cổng” như vậy lại nổi bật ở những thị trường khác, bao gồm cả Indonesia. “97% doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy bạn có một sân chơi bình đẳng, rất dễ tiếp cận”, ông giải thích.

Marina Trần-Vũ sinh ra tại Canada, sáng lập thương hiệu Equo, cũng lưu ý đến dân số trẻ của đất nước, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn hơn, và những khoản đầu tư vào đất đai và cơ sở hạ tầng, mà bà cho là tương đồng với Trung Quốc. Vào tháng 4 năm nay, Equo đã huy động được 1,3 triệu USD tài trợ hạt giống từ NextGenVentures, East Ventures và những đơn vị khác.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu căng thẳng hơn do các hạn chế liên quan đến đại dịch và căng thẳng thương mại địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam đang thu hút sự quan tâm ngày càng tăng với tiềm năng phát triển thành một trung tâm thương mại và sản xuất quốc tế. Điều này khiến nhiều tập đoàn áp dụng chiến lược “Trung Quốc +1” để đa dạng hóa và quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu: giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và thay vào đó chuyển sang các thị trường Đông Nam Á.

“Tôi nghĩ mọi người đang nhìn ra bên ngoài cường quốc đó [Trung Quốc] để tìm kiếm những cơ hội khác. Việt Nam giống như một nước tiếp theo có hướng đi tương tự”, bà nói.

So với Indonesia và Trung Quốc – những nước đã thu hút phần lớn vốn của Mỹ đổ vào châu Á trong những năm qua – định giá tại Việt Nam vẫn ở mức “phù hợp”, theo Vinnie Lauria, đối tác quản lý của Golden Gate Ventures (GGV). Đầu năm nay, ông chuyển đến TP HCM cùng với việc khai trương 2 văn phòng mới của công ty.

Ông và GGV nhận thấy cơ hội trên thị trường trong 3 lĩnh vực chính: công nghệ giáo dục, công nghệ y tế và công nghệ tài chính, ngoài các dịch vụ B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng) và “B2B nhỏ” (doanh nghiệp đến doanh nghiệp nhỏ). Ông gọi Việt Nam là một trong những đỉnh của “Tam giác vàng khởi nghiệp” Đông Nam Á, cùng với Singapore và Indonesia. Ông nhắc đến các “công ty cần theo dõi” tại Việt Nam bao gồm nhà sản xuất ô tô điện VinFast, kỳ lân game VNG và ví điện tử Momo.

Tuy nhiên, việc thiếu cái mà bà Trần-Vũ gọi là “kiến thức của người sáng lập” khiến quy mô đầu tư ở Việt Nam tương đối nhỏ. Điều này giải thích tại sao những công ty khởi nghiệp thường không vượt qua được vòng Series A. “Rất nhiều công ty khởi nghiệp Việt Nam gặp bất lợi vì họ không biết cách định giá doanh nghiệp của mình, hoặc họ không định giá nó cao như những công ty khác trong cùng lĩnh vực ở các nước khác. Tôi nghĩ rằng có một chút thiếu kinh nghiệm hoặc kiến thức ở khía cạnh đó”, bà nói.

Nhắc đến các lựa chọn rút lui cho nhà đầu tư trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam, mua lại được ưu tiên hơn so với niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trong nước, bà cho biết, bổ sung rằng lý do có thể là thiếu uy tín.

Tuy nhiên, việc niêm yết trên sàn giao dịch trong nước đang dần trở nên hấp dẫn hơn như một lựa chọn rút lui và những công ty khởi nghiệp có ảnh hưởng rộng rãi hơn trong khu vực có thể chọn đồng thời niêm yết trong và ngoài nước, ông Lauria giải thích. “Chính phủ Việt Nam tiếp tục cập nhật chiến lược của mình với các sàn giao dịch, bắt đầu từ năm 2016 và điều này vẫn tiếp tục được cải thiện. Đây là một quan điểm dài hạn của chính phủ với nhận thức rõ ràng rằng các sàn giao dịch cần phải trở nên phức tạp và cạnh tranh hơn để hỗ trợ sự phát triển nhanh chóng của các công ty khởi nghiệp”.