VNReport»Kinh tế»Nhà đầu tư “quay lưng” với Trung Quốc, startup Đông Nam Á hưởng lợi

Nhà đầu tư “quay lưng” với Trung Quốc, startup Đông Nam Á hưởng lợi

11:52 - 11/10/2022

Khi môi trường kinh doanh tại Trung Quốc đang trở nên bất ổn vì chính sách “zero Covid”, dòng vốn từ các quỹ đầu tư vốn mạo hiểm và vốn cổ phần tư nhân đang có xu hướng đổ về các công ty khởi nghiệp (startup) ở Đông Nam Á.

Điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư

Bất chấp quá trình thẩm định startup đòi hỏi mất nhiều tháng, trong khi mức định giá tiếp tục chịu sức ép, các nhà đầu tư vẫn đang sốt sắng tìm các cơ hội ở Đông Nam Á. Với những lợi thế như dân số đông, nền kinh tế tăng trưởng ổn định, hệ sinh thái phát triển vượt bậc, Đông Nam Á đang trở thành một điểm đến hấp dẫn với giới đầu tư.

Mặt khác, thị trường 650 triệu dân với các nền tảng kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng đang được hưởng lợi sau khi các quỹ e ngại môi trường đầu tư bất ổn ở Trung Quốc khi nước này sử dụng chính sách phong tỏa nghiêm ngặt và các biện pháp khác để kiểm soát Covid-19.

Vườn ươm khởi nghiệp công nghệ UpStar Labs tại TP HCM

Ngay lúc này, hội chứng “sợ bị bỏ lỡ” (FOMO) đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư tổ chức rót vốn các startup tiềm năng ở Đông Nam Á sau khi họ đánh mất cơ hội kiếm những khoản lợi nhuận khổng lồ do chậm chân ở thị trường khởi nghiệp Trung Quốc.

Trong năm qua, các quỹ đầu tư như Insignia Ventures Partners (Singapore) và East Ventures (Indonesia), được SoftBank của Nhật Bản hậu thuẫn, nằm trong nhóm các quỹ đã huy động được tổng cộng hàng tỉ USD cho các startup Đông Nam Á.

Theo ông Vishal Harnal – đối tác quản lý tại quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Global với tài sản 2,8 tỉ đô la, hiện nay, Ấn Độ và Đông Nam Á đang tạo ra sức hút đầu tư mạnh mẽ. Một số quỹ nằm trong số các tổ chức đầu tư lớn nhất thế giới đang theo đuổi chiến lược triển khai vốn vào Đông Nam Á, nơi mà 6-7 năm trước đây thậm chí không đủ khả năng hấp thu ngân sách đầu tư quy mô lớn.

Công ty gọi xe và giao đồ ăn Grab Holdings của Singapore đã niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq ở New York vào tháng 12 năm ngoái sau thương vụ sáp nhập trị giá 40 tỉ đô la. Trong khi đó, đối thủ GoTo (Indonesia), huy động được 1,1 tỉ đô la trong thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ở Indonesia hồi tháng 3.

Trong tháng 9, Fazz – công ty công nghệ tài chính được hình thành sau vụ sáp nhập giữa Payfazz của Indonesia và Xfers của Singappre, đã huy động được 100 triệu đô la. Và startup xử lý thanh toán Xendit của Indonesia huy động thành công 300 triệu đô la trong vòng gọi vốn hồi tháng 5 dựa trên mức định giá gần 3 tỉ đô la.

Theo Jungle Ventures, các công ty khởi nghiệp công nghệ của Đông Nam Á có tổng định giá 340 tỷ USD vào 2020 và dự đoán con số này sẽ tăng gấp ba vào năm 2025.

Rào cản cần vượt qua

Tuy nhiên, dù các quỹ đang tránh bỏ trứng vào một giỏ ở Trung Quốc, các nhà đầu tư cho biết họ vẫn gặp phải rào cản tâm lý khi quyết định rót vốn vào thị trường Đông Nam Á. Tang Kok-Yew – Chủ tịch Công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Affinity Equity Partners cho biết các nhà đầu tư đang giảm mức độ tiếp xúc với thị trường Trung Quốc và chuyển hướng quan tâm đến Đông Nam Á. Tuy nhiên, đó là thị trường khó thâm nhập nhất.

Thực tế, nhiều thương vụ IPO đình đám của Đông Nam Á chưa đi theo đúng kỳ vọng của giới đầu tư. Giá cổ phiếu của Grab, Bukalapak và PropertyGuru giảm mạnh từ thời điểm “chào sàn”. Trong khi đó, giá cổ phiếu của GoTo gần như dậm châm tại chỗ.

Mặc dù nhiều mảng kinh doanh của các startup đã có lãi hoặc lỗ giảm mạnh, tuy nhiên, phần lớn các startup chưa có lãi ở mức độ tập đoàn. Bên cạnh đó, một thách thức khác của startup Đông Nam Á là thiếu hụt nhân tài. Tất cả điều đó khiến giới đầu tư lo ngại về sự bền vững trong dài hạn của các mô hình startup tại Đông Nam Á.

Tuy vậy, Tech in Asia nhận định vẫn còn quá sớm để khẳng định các khó khăn nói trên có để lại ảnh hưởng lâu dài lên bức tranh khởi nghiệp Đông Nam Á hay không. Nhiều người vẫn giữ quan điểm tích cực. Đại diện của quỹ Golden Gate Ventures cho rằng Đông Nam Á vẫn có tăng trưởng GDP bền vững ngay cả với tình hình thị trường hiện tại và họ đang thấy sự đa dạng hoá trong hệ sinh thái.

Cũng theo dự đoán của Golden Gate Ventures, vốn tài trợ cho các startup trong khu vực Đông Nam Á sẽ vượt quá 14 tỷ USD vào năm 2023.