VNReport»Kinh tế»Tài chính»Nhân dân tệ đạt đỉnh ba năm so với USD

Nhân dân tệ đạt đỉnh ba năm so với USD

10:01 - 26/05/2021

Sức mạnh của đồng nhân dân tệ tạo ra thách thức khi Bắc Kinh cố gắng giữ đà tăng trưởng.

Đồng tiền Trung Quốc chạm mức cao nhất so với đồng USD trong 3 năm, đặt ra thách thức cho Bắc Kinh khi họ tìm cách cân bằng nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của nước này và giá hàng hóa tăng cao.

Đồng nhân dân tệ giao dịch trong nước tăng 0,2% lên 6,4052 nhân dân tệ/USD vào thứ Ba, mức cao nhất kể từ tháng 6/2018. Trong khi đó, chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến của nước này có ngày tốt nhất kể từ tháng 7, tăng 3,2%.

Đồng nhân dân tệ đã tăng hơn 10% trong năm qua, được thúc đẩy bởi sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc từ đại dịch coronavirus và dòng vốn nước ngoài vào nước này.

Nhưng sự gia tăng của đồng tiền là một khó khăn đối với các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc khi họ phải vật lộn với tác động của giá hàng hóa tăng, nguy cơ bong bóng tài sản và các dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng đang nguội dần. Tổng sản phẩm quốc nội chỉ tăng 0,6% theo quý trong 3 tháng đầu năm, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

“[Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc] nhận thức được rủi ro tăng giá của đồng nhân dân tệ trong bối cảnh tăng trưởng của Trung Quốc [đang chậm lại] trong quý đầu tiên”, Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối châu Á tại Ngân hàng Mizuho cho biết. Ông nói thêm rằng dòng vốn chảy vào có thể làm tăng lạm phát giá tài sản và “làm mất hiệu lực” các nỗ lực của ngân hàng trung ương để ổn định đòn bẩy tài chính.

Tỷ giá nhân dân tệ/USD trong 5 năm gần đây. Nguồn: Bloomberg

Tỷ giá nhân dân tệ/USD trong 5 năm gần đây. Nguồn: Bloomberg

Trong những ngày gần đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã đưa ra các thông điệp trái chiều về đồng tiền quốc gia. Trong một bài xã luận vào thứ Sáu sau đó đã bị xóa, một trong những quan chức của họ cho biết cơ quan này nên để đồng nhân dân tệ tăng giá để chống lại giá hàng hóa cao hơn.

Liu Guoqiang, Phó thống đốc PBoC, sau đó nói rằng ông hy vọng tỷ giá hối đoái sẽ “ổn định” và được thúc đẩy bởi cung và cầu, cũng như các điều kiện thị trường quốc tế, theo các bình luận được đăng trên trang web của ngân hàng vào Chủ nhật.

Bắc Kinh bắt đầu lo ngại về giá cả hàng hóa tăng sẽ có thể làm tăng lạm phát giá tiêu dùng, khi mà giá xuất xưởng của nước này đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm vào tháng 4.

Đợt tăng vọt của chỉ số CSI 300 vào thứ Ba, được dẫn dắt bởi mức tăng mạnh của các nhà sản xuất hàng tiêu dùng chủ lực và cổ phiếu tài chính, đã đưa chỉ số này lên mức cao nhất kể từ tháng 3.

Các bình luận về đồng nhân dân tệ cũng được đưa ra sau một đợt trấn áp của chính phủ đối với tiền mã hóa, khiến thị trường này biến động mạnh vào tuần trước.

Sau khi đạt mức kỷ lục hồi đầu tháng 5, giá quặng sắt đã giảm vào thứ Hai sau khi Bắc Kinh cảnh báo về “đầu cơ quá mức” và cho biết họ sẽ kìm hãm tích trữ và độc quyền hàng hóa. Hội đồng nhà nước, do Thủ tướng Lý Khắc Cường làm chủ tịch, tuần trước cho biết cần thực hiện các biện pháp để tránh giá sản xuất lan sang giá tiêu dùng.

Đồng tiền Trung Quốc mạnh hơn sẽ giúp các nhà sản xuất công nghiệp của nước này mua nguyên liệu thô rẻ hơn nhưng gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu của họ. Tăng trưởng GDP của nước này đã trở lại mức trước đại dịch trong quý 4, được thúc đẩy bởi sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, mặc dù tiêu dùng nội địa đã bị tụt lại so với mức phục hồi chung.

Các nhà hoạch định chính sách đang cảnh giác cao độ về nguy cơ bong bóng tài sản sau khi nới lỏng lãi suất cho vay chính vào năm ngoái. Guo Shuqing, nhà quản lý ngân hàng hàng đầu của nước này, vào đầu năm nay đã cảnh báo về rủi ro bong bóng trên thị trường quốc tế và lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.

Lãi suất vẫn chưa được tăng nhưng đã có dấu hiệu cho thấy các điều kiện tín dụng trong nước đang dần được thắt chặt.

1 bình luận
    Bình luận của bạn