VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Nhập siêu tăng vào cuối năm

Nhập siêu tăng vào cuối năm

00:40 - 23/09/2021

Trong nửa đầu tháng 9/2021, cán cân thương mại thâm hụt 1,51 tỷ USD, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/9/2021, Việt Nam đã nhập siêu tới 4,186 tỷ USD. 

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu sơ bộ tính từ đầu năm đến hết 15/9 với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 455 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 225,198 tỷ USD; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 229,384 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt gần 4,186 tỷ USD.

Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là điện thoại và các loại linh kiện đạt hơn 37,7 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 33,77 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt hơn 24,5 tỷ USD; hàng dệt may đạt hơn 22,15 tỷ USD; giày dép các loại đạt gần 13 tỷ USD; sắt thép các loại đạt hơn 7,52 tỷ USD…

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 50,125 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt gần 33 tỷ USD; điện thoại và các loại linh kiện đạt hơn 13,56 tỷ USD); sắt, thép các loại đạt hơn 8,2 tỷ USD; vải các loại đạt gần 10 tỷ USD…

Xuất khẩu đang “hụt hơi” so với tốc độ tăng của nhập khẩu

Theo lý giải từ Bộ Công Thương, việc xuất khẩu đang “hụt hơi” so với tốc độ tăng của nhập khẩu là do 19 tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, hoạt động của các doanh nghiệp bị đình trệ rất lớn gây ảnh hưởng tới tốc độ xuất khẩu.

Trong khi đó, đây là các địa phương chiếm tới 45% tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá của cả nước, chưa kể các địa phương khác trọng điểm khác cũng phải giãn cách xã hội như Hà Nội hay Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, tại một số địa phương, công tác tổ chức thực hiện có nơi, có lúc còn cứng nhắc, ban hành một số quy định không phù hợp, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, không tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương dẫn tới ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Hơn nữa, quá trình thông quan xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản thời gian gần đây gặp khá nhiều bất lợi khi nước này liên tục tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Mặc dù hiện nay, nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang trong xu hướng phục hồi trở lại, trong đó việc Mỹ và EU tái mở cửa nền kinh tế đang tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa của các thị trường này. Tuy nhiên, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 trong nước, đặc biệt là tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam đang ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu từ tháng 7 đến nay. Do đó, tăng trưởng sản xuất và xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên toàn quốc.

Để thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp. Trong đó, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu…