VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Nhiều nước vay Trung Quốc khó trả nợ

Nhiều nước vay Trung Quốc khó trả nợ

15:25 - 20/09/2022

Sri Lanka đang rơi vào khủng hoảng nợ và Pakistan mất thanh khoản, khiến các khoản cho vay của Trung Quốc theo Sáng kiến Vành đai và Con đường xấu đi.

Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc đang gặp khó khăn khi nhiều khoản vay cho các nền kinh tế mới nổi rơi vào tình trạng khó trả nợ, buộc Bắc Kinh phải giảm bớt việc cho vay.

Ở Sri Lanka, cảng phía nam Hambantota là một khu vực biệt lập với chim công và khỉ lang thang xung quanh. Các con đường trải nhựa trong cảng – mà Trung Quốc có được quyền vận hành 99 năm để đổi lấy việc xóa nợ – có nhiều bò hơn là xe cộ. Thậm chí, có biển cảnh báo voi rừng băng qua đường.

Khoảng 20 km về phía bắc là Sân bay Quốc tế Mattala Rajapaksa, gần Hambantota – huyện quê hương của gia tộc Rajapaksa đã cai trị Sri Lanka trong gần 20 năm. Sân bay mở cửa vào năm 2013, nhưng hiện không có chuyến bay chở khách theo lịch trình nào và được mệnh danh là “sân bay trống nhất thế giới”. Chỉ có một số khách du lịch trong nhà ga. “Nhiều nhất có 30 khách mỗi ngày”, một người trông coi một quầy đồ ăn cho biết.

Một con đường không có xe cộ ở Sri Lanka. Nguồn: Nikkei Asia.

Một con đường không có xe cộ ở Sri Lanka. Nguồn: Nikkei Asia.

Đại dịch, sau đó là lãi suất tăng và giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, đã gây thiệt hại cho các nền kinh tế mới nổi mà không có dấu hiệu nào rằng tình hình sẽ bớt căng thẳng. Khi các nước khó đáp ứng nghĩa vụ nợ, Trung Quốc có khả năng phải đối mặt với nhiều khoản nợ có vấn đề hơn.

Trong khi Trung Quốc ghi nhận 9 trường hợp phải đàm phán lại để được miễn trả lãi và các điều kiện vay khác vào năm 2019, con số này tăng lên 21 trường hợp vào năm 2020 và 19 trường hợp vào năm 2021, theo ước tính của viện nghiên cứu Rhodium Group. Những cuộc đàm phán lại như vậy liên quan đến tổng cộng 52 tỷ USD cho năm 2020 và 2021 – hơn gấp 3 lần so với 16 tỷ USD trong giai đoạn 2 năm trước đó – khi các nền kinh tế mới nổi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Dự trữ ngoại hối tại các nước mới nổi hoặc đang phát triển giảm khoảng 5% trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2022, mức giảm lớn nhất trong khoảng 6 năm, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Một nhóm nghiên cứu bao gồm nhà kinh tế Sebastian Horn của Ngân hàng Thế giới ước tính trong một báo cáo hồi tháng 4 rằng 60% các khoản vay nước ngoài của Trung Quốc hiện nay là dành cho các nước đang gặp khủng hoảng nợ, so với chỉ 5% vào năm 2010.

Tại một cuộc họp vào tháng 8 với các nước châu Phi, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh sẽ xóa nợ gốc cho 23 khoản vay không tính lãi đến hạn vào cuối năm 2021.

Trong một báo cáo hồi tháng 8, Takahide Kiuchi tại Viện nghiên cứu Nomura cảnh báo rằng các nước như Nigeria, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Ghana đang giảm dự trữ ngoại hối, làm tăng nguy cơ khủng hoảng tiền tệ. Tất cả những nước này đều nhận được các khoản vay từ Trung Quốc.

Trung Quốc có kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ với tổng trị giá 3,1 nghìn tỷ USD tính đến cuối tháng 8. Tuy nhiên, trên thực tế, con số bao gồm các khoản cho vay dành cho các nước đang phát triển và những khoản cho vay khác có tính thanh khoản rất thấp. Nếu những khoản nợ đó tiếp tục xấu đi, thì dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc cũng có thể bị thu hẹp nhanh chóng.

Sân bay Quốc tế Mattala Rajapaksa vắng khách. Nguồn: Nikkei Asia.

Sân bay Quốc tế Mattala Rajapaksa vắng khách. Nguồn: Nikkei Asia.

Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc xuất bản một cuốn sách vào tháng 4, phân tích đầu tư chi tiết theo từng quốc gia, làm dấy lên cảnh báo đối với các công ty nhà nước.

Trung Quốc đang thu hẹp lại chương trình cho vay khổng lồ của mình. Các khoản vay mới của Bắc Kinh dành cho các nước có thu nhập trung bình thấp chỉ đạt 13,9 tỷ USD trong năm 2020, giảm 58% so với mức cao kỷ lục năm 2018, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới. Nước này có dư nợ cho vay là 170,4 tỷ USD vào cuối năm 2020, chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty nghiên cứu Janes có trụ sở tại Anh ước tính rằng Trung Quốc chỉ gia hạn 2 khoản vay vượt quá 1 tỷ USD mỗi khoản trong 7 tháng đầu năm 2022, so với 8 khoản cho năm 2021.

Yusuke Suzuki tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu Mitsui & Co. cho biết: “Với nền kinh tế đang chậm lại, Trung Quốc đã chuyển trọng tâm kinh tế sang nhu cầu nội địa”. Ông nói thêm rằng ít có khả năng số các khoản vay sẽ tăng đáng kể trong tương lai.

Một câu hỏi quan trọng là Trung Quốc sẽ làm gì với Pakistan và dư nợ 23,3 tỷ USD của nước này – mức cao nhất trong số các con nợ của Bắc Kinh. Trung Quốc đã bơm một lượng lớn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng để Pakistan trở thành đối trọng địa chính trị của Ấn Độ. Giờ đây, đồng tiền của nước này giảm và thâm hụt tài khoản vãng lai đang đẩy Islamabad đến gần tình trạng vỡ nợ.

Trong tuyên bố hồi tháng 6 của mình, các lãnh đạo nhóm G7 kêu gọi Bắc Kinh xóa nợ cho các nước thu nhập thấp.

“Có nguy cơ các khoản vay của Trung Quốc cho Nga có thể trở thành nợ xấu” do lệnh trừng phạt của phương Tây, giáo sư Kai Kajitani tại Đại học Kobe cho biết. “Trung Quốc có thể bù đắp điều này bằng cách tạm dừng cho vay mới các nền kinh tế thu nhập thấp hoặc thu hồi nợ”, ông nói. Nhưng điều đó có thể gây ra hiệu ứng vỡ nợ dây chuyền.