VNReport»Kinh tế»Tài chính»Nợ xấu ngân hàng tăng vọt trong quý đầu năm

Nợ xấu ngân hàng tăng vọt trong quý đầu năm

14:05 - 09/05/2025

Quý 1 năm nay chứng kiến sự gia tăng đáng kể của nợ xấu tại nhiều ngân hàng. Trong số 27 ngân hàng niêm yết, có tới 16 ngân hàng có lượng nợ xấu tăng từ 10% trở lên.

Tại một tọa đàm gần đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, thông tin rằng đến 31/12/2024, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng (bao gồm cả nợ tiềm ẩn rủi ro) ước tính khoảng 5,46%, tương ứng 1.030.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu nội bảng là 778.000 tỷ đồng, nợ bán cho VAMC là 101.000 tỷ đồng và nợ tiềm ẩn rủi ro là 150.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các ngân hàng đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý 677.000 tỷ đồng nợ xấu và đưa ra khỏi bảng cân đối kế toán, nhưng vẫn chưa thể thu hồi được do tài sản đảm bảo vướng tranh chấp pháp lý, khiến việc thi hành án gặp khó khăn. Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng cho thấy tỷ lệ thu hồi nợ trong khoảng 446.000 vụ án liên quan đến xử lý nợ chỉ đạt khoảng 15% vào cuối năm 2024.

Sang đến năm 2025, nợ xấu vẫn là một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngân hàng. Theo đó, trong quý 1, số dư nợ xấu của phần lớn các ngân hàng đều tăng, với 16/27 ngân hàng niêm yết ghi nhận mức tăng hai chữ số. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm 5 ngân hàng đặc biệt) đạt 1,88% vào tháng 2/2025.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP HCM. (Ảnh: VietnamBiz).

Dữ liệu từ Wichart cho thấy số dư nợ xấu (nhóm 3 đến nhóm 5) của ngành ngân hàng đã tăng gần 17% so với cuối năm 2024, lên mức kỷ lục 265.549 tỷ đồng. Thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng cho thấy 24/27 ngân hàng có số dư nợ xấu tăng so với cuối năm 2024. BIDV là ngân hàng có số dư nợ xấu tăng nhiều nhất (tăng 10.873 tỷ đồng, tương ứng 37,45%), tiếp theo là VietinBank (tăng 6.498 tỷ đồng, tương ứng 30,26%). Nợ xấu gia tăng chủ yếu ở các khoản nợ nhóm 3 và nhóm 5. Trong khi đó, SeABank, VietABank và NCB là ba ngân hàng có số dư nợ xấu giảm.

Chia sẻ với VietnamBiz, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng nguyên nhân chính của việc nợ xấu gia tăng là do khó khăn kinh tế và việc Thông tư 02 hết hiệu lực, khiến các khoản nợ không còn được cơ cấu lại và phải ghi nhận vào nội bảng. Ông cũng nhận định các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do hậu quả của COVID-19, xung đột và căng thẳng thương mại, dẫn đến việc một số doanh nghiệp không thể trụ vững và làm tăng tỷ lệ nợ xấu.

Về triển vọng nợ xấu, TS Huân cho rằng tình hình sẽ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài như diễn biến địa chính trị và kết quả đàm phán thương mại. Nguy cơ suy thoái toàn cầu đi kèm lạm phát cao cũng có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam, làm gia tăng rủi ro trong hệ thống tín dụng.

Tuy nhiên, trong báo cáo xu hướng kinh doanh quý 2/2025, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm mạnh hơn trong quý 2. Mặc dù vậy, mặt bằng rủi ro tổng thể của nhóm khách hàng vẫn được nhận định là “tăng nhẹ” trong quý 1 và dự kiến tiếp tục tăng nhẹ trong quý 2. Các tổ chức tín dụng dự báo xu hướng tăng nhẹ của mặt bằng rủi ro sẽ tiếp tục trong năm 2025, nhưng với tốc độ chậm hơn so với năm 2024, và kỳ vọng rủi ro sẽ giảm dần trong năm 2026.

VIS Rating dự báo tỷ lệ nợ có vấn đề toàn ngành có thể giảm xuống 2,2% trong năm 2025 nhờ sự thận trọng trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng lớn hạn chế cho vay đối với các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn.

https://vietnambiz.vn/no-xau-ngan-hang-tang-vot-trong-quy-dau-nam-202558121237866.htm