VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Anh khan hiếm nhiên liệu, thực phẩm hậu Brexit

Anh khan hiếm nhiên liệu, thực phẩm hậu Brexit

10:32 - 30/09/2021

Sau gần hai năm trải qua đại dịch Covid-19, sự phục hồi của nền kinh tế nước Anh lại đang bị đe dọa bởi tình trạng khan hiếm thực phẩm và nhiên liệu do thiếu hụt lao động hậu Brexit.

Hỗn loạn vì thiếu lao động

Tình trạng khan hiếm hàng hóa, gián đoạn chuỗi cung ứng và giá thực phẩm, năng lượng tăng cao đang ảnh hưởng tới nhiều nền kinh tế lớn trong đó có Mỹ, Anh, Trung Quốc, Đức… Song Anh được cho là đang chịu tác động lớn nhất do đã rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – sự kiện còn được gọi là Brexit.

Sự vội vàng để nhanh chóng “hoàn tất Brexit” của Chính phủ Anh khi đàm phán với EU đã khiến các thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực quan trọng bị gạt sang một bên, trong đó có lĩnh vực năng lượng.

Mặt khác, chính sách nhập cư nghiêm ngặt và đưa nước Anh ra khỏi thị trường hàng hóa và năng lượng của EU đã khiến các doanh nghiệp Anh khó thuê người lao động châu Âu và chịu nhiều chi phí hơn khi kinh doanh với EU – đối tác thương mại lớn nhất của Anh.

Các tài xế xếp hàng dài để chờ được đổ xăng tại Anh

Theo Cục Thống kê Quốc gia Anh, trong khoảng thời gian từ tháng 6-8/2021, nước này ghi nhận kỷ lục 1 triệu vị trí việc làm cần tuyển dụng. Vào tháng trước, nhiều nhà hàng, quán rượu, siêu thị… đã phải tạm thời đóng cửa một số địa điểm do thiếu nhân viên hoặc một số nguyên liệu đầu vào không được vận chuyển tới vì thiếu tài xế xe tải.

Hiện ngành vận tải hàng hóa nước Anh đã bị thiếu hụt khoảng 100.000 nhân viên vận tải, do việc ngừng tổ chức thi sát hạch lấy giấy phép lái xe tải trong thời gian giãn cách nghiêm ngặt để tránh lây lan Covid-19 và sự di cư của các nhân sự nước ngoài sau khi Anh rời Liên minh châu Âu vào năm ngoái.

Việc thiếu hụt các tài xế xe tải đã khởi nguồn cho một cuộc khủng hoảng tại nước Anh. Gần 8.000 trạm xăng dầu ở khắp các thành phố lớn của Anh đang rơi vào tình trạng cạn kiệt, người dân đổ xô đi mua xăng tích trữ và tài xế xếp hàng dài chờ vài tiếng đồng hồ trước các trạm xăng khiến chính phủ phải huy động quân đội sẵn sàng ứng phó.

Không chỉ lĩnh vực năng lượng, việc thiếu hụt lao động cũng gây ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Anh. Một báo cáo mới đây của Grant Thornton ước tính ngành này đang thiếu tới 500.000 lao động. Các cơ sở chế biến thực phẩm và trang trại đã buộc phải cắt giảm sản lượng hoặc chấp nhận bỏ phí nông sản chưa thu hoạch do không có đủ nhân công.

Điều này khiến nhiều mặt hàng bị thiếu hụt hoặc thậm chí khan hiếm tại các siêu thị. Tỷ lệ sản phẩm hết hàng tại Anh đang xấp xỉ với thời điểm người dân đổ xô tích trữ hàng hóa khi số ca nhiễm Covid-19 tại Anh tăng vọt vào tháng 3 năm ngoái. Dự báo vào khoảng đầu tháng 12, tình trạng thiếu hụt thực phẩm tại Anh thậm chí sẽ trở nên tồi tệ hơn thời điểm đỉnh dịch Covid-19 năm ngoái.

Giải pháp tạm thời có hiệu quả?

Chính phủ Anh đang tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách dừng áp dụng luật cạnh tranh để cho phép các công ty năng lượng hợp tác cung cấp lại nhiên liệu cho các trạm xăng dầu. Cùng với đó là việc đưa các chuyên gia sát hạch lái xe quân sự vào để giúp giải quyết tình trạng tồn đọng của những lái xe tải mới đang chờ các bài kiểm tra.

Bên cạnh đó, Chính phủ Anh cũng đã công bố kế hoạch cấp thị thực tạm thời cho 10.500 tài xế xe tải nước ngoài và công nhân ngành chăn nuôi gia cầm. Tuy nhiên, giải pháp tạm thời này không tạo ra nhiều khác biệt và cũng không giải quyết được tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng trong tương lai tại Anh. Thực tế phần lớn người đã làm việc tại Vương quốc Anh trước Brexit hiện ưa thích sự ổn định của EU hơn và có thể kiếm được mức lương cao khi làm việc tại Pháp hoặc Đức.

Trong khi đó, người lao động Anh không hào hứng với hành nghề lái xe tải, và để trở thành tài xế vận chuyển nhiên liệu đòi hỏi quá trình dài để được đào tạo và cấp bằng bổ sung. Việc trả lương cao hơn và đưa ra các điều kiện tốt hơn để thu hút và đào tạo tài xế xe tải trong nước thay vì dựa vào lao động nước ngoài giá rẻ chỉ có thể là một giải pháp lâu dài. Điếu đó cũng sẽ đồng nghĩa với việc giá cả tăng và nguy cơ lạm phát gia tăng kéo dài tại Anh.

Ngày 27/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhóm họp các thành viên cấp cao trong chính phủ để bàn phương án giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, sau đó phát ngôn viên của chính phủ Anh cho biết, hiện nước này không thiếu nguồn dự trữ nhiên liệu và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp để giải quyết vấn đề.

Quân đội Anh cũng đang được đặt trong tình trạng sẵn sàng với 150 binh sỹ túc trực để giúp phân phối nhiên liệu theo kế hoạch dự phòng được chính phủ gọi là Chiến dịch Escalin.

Tuy nhiên theo Chính phủ Anh, các tài xế xe téc của quân đội nước này sẽ phải trải qua khóa huấn luyện đặc biệt trước khi được triển khai để giải quyết những vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng nhiên liệu.

Hiện chưa rõ những giải pháp tạm thời này liệu có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Anh hay không, nhưng có một thực tế rằng Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đang bắt đầu “nếm trái đắng” hậu Brexit. Theo các nhà phân tích, dù các vấn đề này không hoàn toàn xảy ra do Brexit, nhưng thỏa thuận thương mại tối giản mà chính phủ của Thủ tướng Johnson ký với EU vào tháng 12 năm ngoái đã khiến nước Anh phải một mình vượt qua cuộc khủng hoảng.

Việc Anh chính thức rời khỏi thị trường năng lượng nội bộ EU vào ngày 31/12/2020 khiến chính phủ Anh có ít đòn bẩy hơn để ứng phó với những thách thức hiện tại. Các nhà kinh tế cảnh báo rằng giá cả hàng hóa liên tục tăng do thiếu lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí năng lượng cao sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế Anh, làm gia tăng lạm phát vốn đang ở mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ của nước này.