VNReport»Sự kiện & Bình luận»Trong nước»Ô nhiễm bụi mịn ở Việt Nam vượt khuyến nghị của WHO

Ô nhiễm bụi mịn ở Việt Nam vượt khuyến nghị của WHO

17:10 - 02/12/2021

Tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc đều có mức ô nhiễm bụi mịn PM2.5 cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.

Mặc dù nồng độ bụi mịn PM2.5 được cải thiện một chút trong năm 2020, tất cả tỉnh thành đều có mức ô nhiễm cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo dữ liệu do Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Trung tâm Sống và Học tập Vì môi trường và Cộng đồng công bố.

Năm 2020, các khu vực có nồng độ PM2.5 cao chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ, theo kết quả từ báo cáo tình hình PM2.5 ở Việt Nam giai đoạn 2019-2020.

Theo PGS TS Nguyễn Thị Nhật Thanh thuộc ĐH Công nghệ, một tác giả của báo cáo, mức ô nhiễm được cải thiện trên toàn quốc trong năm 2020 một phần là do giãn cách xã hội.

Dữ liệu năm 2018 cho thấy các nguồn chính gây ô nhiễm PM2.5 ở Việt Nam là do đốt các phụ phẩm nông nghiệp (40%), nấu nướng (17%), giao thông (13%), cháy rừng (12,7%), hoạt động công nghiệp (11%) và nhiệt điện (3,3%).

Hà Nội có nồng độ PM2.5 ở mức 29 µg/m³, cao hơn nhiều khuyến nghị 5 µg/m³ của WHO.

Hà Nội có nồng độ PM2.5 ở mức 29 µg/m³, cao hơn nhiều khuyến nghị 5 µg/m³ của WHO.

Tại Hà Nội, 48,3% ô nhiễm PM2.5 là do các hoạt động công nghiệp và làng nghề, 21,3% do giao thông và 20,2% do đốt các phụ phẩm nông nghiệp. Tại TP HCM, 58,2% ô nhiễm do giao thông, 22,8% do hoạt động công nghiệp và 12,8% do nấu nướng.

Năm 2020, Việt Nam có 10/63 tỉnh, thành phố có nồng độ PM2.5 cao hơn ngưỡng quy định của cả nước. 10 địa phương này đều ở miền Bắc, bao gồm Hà Nội với mức PM2.5 29 µg/m³ và tỉnh Bắc Ninh là 33 µg/ m³, cao hơn nhiều so với ngưỡng cho phép quốc gia là 25 µg/m³ và khuyến nghị của WHO là 5 μg/m³.

Năm 2019, con số trên là 13 địa phương, trong đó miền Bắc có 11 địa phương, còn lại là miền Nam.

Trong vài năm trở lại đây, tình hình PM2.5 ở Việt Nam được các nhà nghiên cứu thuộc các cơ quan chính phủ, trường đại học, học viện và tổ chức xã hội nghiên cứu và công bố. Tuy nhiên, dữ liệu được sử dụng trong các báo cáo này thường bị giới hạn về khoảng thời gian hoặc phạm vi địa lý và chưa sử dụng dữ liệu nguồn mở, bao gồm dữ liệu từ vệ tinh và mạng lưới giám sát khoa học công dân.

Theo PGS TS Nguyễn Thị Nhật Thanh, báo cáo mới cung cấp thông tin toàn diện về sự phân phối theo không gian và thời gian của ô nhiễm không khí do PM2.5 ở Việt Nam. Kết quả từ báo cáo sẽ là một nguồn dữ liệu bổ sung, giúp các tỉnh thành xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí.

Ông Hoàng Dương Tùng đến từ Hiệp hội Đối tác Không khí Sạch Việt Nam cho rằng điều quan trọng là phải đẩy mạnh nghiên cứu để xác định các nguồn gây ô nhiễm PM2.5 và các chất ô nhiễm không khí khác, đặc biệt là ở các tỉnh thành bị ô nhiễm nặng bởi PM2.5. Cũng theo ông, những phát hiện từ các báo cáo này sẽ giúp nhà chức trách xác định các kế hoạch ưu tiên để quản lý chất lượng không khí.

Việt Nam xếp hạng thứ 115 về chất lượng không khí được đo lường qua mức sử dụng nhiên liệu rắn hộ gia đình và mức phơi nhiễm trung bình PM2.5 trong Chỉ số Hiệu suất Môi trường được thống kê 2 năm/lần bởi các nhà khoa học tại đại học Yale và Columbia của Mỹ.

Theo WHO, ô nhiễm không khí là một trong những nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe. Bằng cách giảm mức độ ô nhiễm không khí, các quốc gia có thể giảm gánh nặng bệnh tật từ đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, và cả các bệnh hô hấp mãn tính và cấp tính, bao gồm cả bệnh hen suyễn. Tổ chức này ước tính tại Việt Nam có khoảng 60.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến ô nhiễm không khí.