VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»OPEC+ cân nhắc giảm mạnh sản lượng để giá dầu tăng

OPEC+ cân nhắc giảm mạnh sản lượng để giá dầu tăng

09:55 - 03/10/2022

Mức giảm 1 triệu thùng/ngày mà nhóm này đang cân nhắc sẽ là lần giảm mạnh nhất kể từ đại dịch.

OPEC+ dự kiến xem xét việc giảm sản lượng trong cuộc họp vào thứ Tư, ở mức cao nhất kể từ đại dịch nhằm giúp hỗ trợ giá dầu. Động thái này có thể gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga đứng đầu – được gọi chung là OPEC+ – đang cân nhắc việc cắt giảm hơn 1 triệu thùng/ngày, các đại biểu trong nhóm cho biết.

Lo ngại về nền kinh tế toàn cầu chậm lại kéo giá dầu giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ khi Covid-19 bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020, khiến OPEC+ phải xem xét những biện pháp để hỗ trợ giá dầu. Bất kỳ động thái nào của OPEC+ nhằm tăng giá dầu có thể gây thêm áp lực hơn nữa lên người tiêu dùng phương Tây vốn đang bị tổn thương do chi phí năng lượng cao, đồng thời giúp Nga – một trong những nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới – lấp đầy kho bạc của mình khi nước này tiến hành chiến tranh chống Ukraine.

Giá dầu từng tăng lên hơn 100 USD/thùng và ở mức đó trong nhiều tháng nhưng dầu thô Brent – tiêu chuẩn toàn cầu – giảm 23% trong quý III, xuống 87,96 USD/thùng vào tuần trước và là quý giảm nhanh nhất kể từ năm 2020. Giá dầu giảm thường giúp nới lỏng áp lực cho nền kinh tế toàn cầu, hạ chi phí khi nhu cầu giảm theo chu kỳ lặp đi lặp lại. OPEC+ thường giữ vai trò là người điều tiết thị trường dầu mỏ, nhằm mục đích giữ cung và cầu cân bằng, nhưng việc cắt giảm sản lượng lần này nhằm hỗ trợ giá tại thời điểm giá ở mức cao trong lịch sử.

Kinh tế toàn cầu chậm lại ảnh hưởng đến nhu cầu dầu và làm giảm giá dầu, khiến OPEC+ cân nhắc các biện pháp để hỗ trợ giá.

Kinh tế toàn cầu chậm lại ảnh hưởng đến nhu cầu dầu và làm giảm giá dầu, khiến OPEC+ cân nhắc các biện pháp để hỗ trợ giá.

Việc Nga xâm lược Ukraine và các lệnh trừng phạt sau đó khiến giá năng lượng tăng cao, làm tăng giá xăng trên toàn thế giới. Trong khi giá đã bắt đầu giảm, việc cắt giảm sản lượng diễn ra trong bối cảnh lạm phát gia tăng, tăng trưởng chậm lại và lo ngại suy thoái. Adel Hamaizia tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Harvard cho biết động thái này có thể đóng vai trò làm cho tình trạng suy thoái tồi tệ hơn ở một số quốc gia. Ông giải thích rằng việc cắt giảm sản lượng có thể đẩy lạm phát lên cao hơn và làm ảnh hưởng đến nhu cầu dầu hơn nữa.

Mỹ đã đề nghị OPEC+ bơm thêm dầu để giúp hạ giá xăng. OPEC+ đẩy nhanh một số đợt cắt giảm sản lượng trong mùa hè trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Ả Rập Xê Út và tăng nhẹ vào tháng 8 nhưng sau đó đảo ngược những động thái trên.

Trong những tháng qua, Mỹ phản ứng với giá dầu tăng bằng cách xả kho dự trữ chiến lược của mình. Christyan Malek – người đứng đầu chiến lược năng lượng toàn cầu của JP Morgan – cho biết sự ủng hộ của Ả Rập Xê Út đối với việc giảm sản lượng có thể là phản ứng đối với giá xăng giảm cho người tiêu dùng Mỹ, điều mà ông cho là có liên quan một phần đến quyết định xả dầu dự trữ của Mỹ.

Việc giảm sản lượng cũng có thể đẩy nhanh sự dịch chuyển dòng chảy dầu thế giới kể từ cuộc xâm lược Ukraine. Trung Quốc – nước đang chứng kiến ​​tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại – quay sang Nga để mua dầu rẻ hơn. Đồng thời, châu Âu buộc phải mua dầu đắt hơn từ các nước Trung Đông sau khi ngừng mua dầu từ Nga.

Giá dầu giảm một phần do tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, nơi bị ảnh hưởng bởi các biện pháp ngăn chặn Covid kéo dài. Ngân hàng Thế giới mới dự báo nền kinh tế Trung Quốc mở rộng 2,8% trong năm 2022, giảm so với mức dự báo 4,3% vào tháng 6.

Vì quyết định cuối cùng về việc cắt giảm sản lượng là vấn đề gây nhiều tranh luận, OPEC+ đã quyết định nhóm họp trực tiếp tại Vienna vào thứ Tư, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch, Các lựa chọn khác đang được xem xét bao gồm mức giảm nhỏ hơn 500.000 thùng/ngày hoặc nhiều nhất là 1,5 triệu thùng/ngày, các đại biểu cho biết.

Phương án cắt giảm hơn 1 triệu thùng/ngày được Nga – đối tác ngoài OPEC lớn nhất của nhóm – ủng hộ. Một cuộc chiến tốn kém, giá năng lượng thấp hơn và vòng trừng phạt mới của phương Tây có nguy cơ ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn đang khó khăn của Nga. Nước này đang cố gắng tối đa hóa nguồn thu từ giá năng lượng tăng cao – sức mạnh kinh tế chính của mình – sau khi ngân sách chính phủ báo cáo thâm hụt do doanh thu năng lượng giảm.

Ông Hamaizia cho biết: “Việc cắt giảm [sản lượng] và giá cao hơn ít nhất sẽ là một chiến thắng ngắn hạn cho Nga khi mùa đông đến gần”.

Tuy nhiên, nhà xuất khẩu lớn nhất của nhóm – Ả Rập Xê Út – có sự dè dặt nhất định về mức độ cắt giảm, các đại biểu cho biết.

Tháng trước, OPEC+ nhất trí giảm sản lượng khai thác dầu lần đầu tiên trong hơn một năm qua, cho biết sẽ cắt giảm khoảng 100.000 thùng/ngày trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu. Động thái này kết thúc thời kỳ tăng sản lượng kéo dài 18 tháng của OPEC+. Trước đó, nhóm này từ từ đưa thêm dầu thô trở lại thị trường sau đợt cắt giảm mạnh trong đại dịch khi nhu cầu lao dốc.

Ả Rập Xê Út theo đuổi chính sách dầu mạnh mẽ hơn trong năm nay khi giá dầu tăng trong chiến tranh Ukraine. Giá dầu cao hơn giúp Ả Rập Xê Út trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và mang về nguồn tiền cho cuộc đại tu kinh tế đầy tham vọng đưa ra bởi Thái tử Mohammed bin Salman.

Việc OPEC+ giảm mục tiêu sản lượng có thể không tạo ra khác biệt có ý nghĩa trong thị trường dầu hàng ngày. Nhóm này đang sản xuất thấp hơn mục tiêu hơn 3 triệu thùng/ngày trong phần lớn năm nay, với sản lượng của Nga giảm và các nhà sản xuất lớn như Nigeria và Angola không đạt hạn ngạch sản lượng do thiếu đầu tư.