VNReport»Kinh tế»OPEC+ giữ nguyên sản lượng sau khi dầu Nga bị áp trần giá

OPEC+ giữ nguyên sản lượng sau khi dầu Nga bị áp trần giá

09:43 - 05/12/2022

Nhóm do Ả Rập Xê Út và Nga dẫn đầu không chắc chắn về hướng đi của giá dầu thô sau khi EU và nhóm G7 áp dụng trần giá đối với dầu của Nga.

OPEC+ giữ nguyên sản lượng hiện tại trong cuộc họp vào Chủ nhật – động thái cho thấy các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới không chắc chắn về hướng đi của giá dầu thô sau khi trần giá đối với dầu của Nga bắt đầu có hiệu lực.

Quyết định cho phép Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và một nhóm các nhà sản xuất do Nga dẫn đầu – được gọi chung là OPEC+ – có thêm thời gian để đánh giá tác động thị trường của việc EU và nhóm G7 giới hạn giá dầu của Nga, nhằm mục đích giảm khả năng tài trợ cho chiến tranh của nước này với Ukraine.

Mức trần này có hiệu lực vào thứ Hai, với cả các nhà kinh doanh dầu mỏ và quan chức năng lượng của chính phủ đều không chắc chắn ảnh hưởng của nó đến thị trường. Cùng ngày, lệnh cấm của EU đối với dầu nhập khẩu từ Nga vào khối qua đường biển bắt đầu có hiệu lực. Sau đó vào thứ Năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ tới Ả Rập Xê Út, khi mà thị trường năng lượng dự kiến nằm trong chương trình nghị sự của cuộc thảo luận giữa nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới.

OPEC đã xem xét một loạt các lựa chọn trước cuộc họp bất thường vào Chủ nhật, đột ngột được thay đổi thành một cuộc họp ảo sau khi ban đầu dự kiến là họp trực tiếp. OPEC thường họp vào ngày làm việc trong tuần, nhưng cuộc họp này được lên kế hoạch vào cuối tuần trước khi giá trần và lệnh cấm vận của EU có hiệu lực.

OPEC+ giữ nguyên sản lượng trong cuộc họp của nhóm vào Chủ nhật.

OPEC+ giữ nguyên sản lượng trong cuộc họp của nhóm vào Chủ nhật.

Một số thành viên ủng hộ việc tăng sản lượng trước cuộc họp, chỉ ra khả năng gián đoạn nguồn cung dầu của Nga mà một số nhà phân tích cho là từ 1 đến 1,5 triệu thùng/ngày sau trần giá. Giới chức Nga hôm Chủ nhật nhắc lại rằng họ không bán bất kỳ thùng dầu nào cho các nước thực hiện trần giá.

Nhưng trong những ngày trước cuộc họp, đã hình thành sự đồng thuận rằng hiện tại không phải là thời điểm thích hợp để tăng sản lượng, theo các đại biểu của OPEC. Giá dầu ổn định hơn gần đây sau khi giảm mạnh trước đó, nhưng dầu thô Brent – tiêu chuẩn quốc tế – giao dịch ở 85,42 USD/thùng vào thứ Sáu, và dầu WTI – tiêu chuẩn Mỹ – ở 80,34 USD. Những mức giá này thấp hơn nhiều con số 90 USD/thùng mà một số nhà phân tích thị trường dầu nói rằng nhóm mong muốn.

Một số thành viên OPEC – bao gồm cả bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê Út – Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, từng nói về khả năng giảm sản lượng hơn nữa, sau đợt giảm 2 triệu thùng/ngày vào tháng 10.

OPEC và các nhà kinh doanh dầu mỏ phản ứng không chắc chắn với trần giá của G7 và EU. Mỹ và các đồng minh tạo ra cơ chế này nhằm mục đích giảm doanh thu dầu mỏ của Moscow trong khi vẫn giữ dầu của Nga – một phần quan trọng trong nguồn cung toàn cầu – trên thị trường. Kế hoạch này hoạt động thông qua những dịch vụ hàng hải quan trọng mà hầu hết do các doanh nghiệp phương Tây cung cấp như bảo hiểm.

Giá dầu giảm vào thứ Sáu sau khi EU đồng ý với mức trần, vì các thương nhân chưa quá lo ngại cơ chế này sẽ đẩy phần lớn dầu của Nga ra khỏi thị trường và gây ra vấn đề về nguồn cung. Dầu thô của Nga giao dịch với mức chiết khấu cao trong năm nay, với Argus Media – một công ty nghiên cứu thị trường hàng hóa – cho biết rằng giá ở mức khoảng 48 USD/thùng.

Tuy nhiên, các đại biểu của OPEC cho biết kế hoạch sản xuất của họ có thể được điều chỉnh tăng vào đầu năm tới. Họ cho biết họ tin tưởng ước tính rằng xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm hơn 1 triệu thùng/ngày do giá trần.

Helima Croft – giám đốc chiến lược hàng hóa tại công ty môi giới RBC của Canada – cho biết Nga có thể sẽ thực hiện lời đe dọa ngừng bán cho người mua áp dụng trần giá. “Cho đến nay, Moscow đã thực hiện nhiều lời đe dọa gây gián đoạn”, bà nói. Trong khi đó, Srijan Katyal – trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu của công ty môi giới ADSS của UAE – cho biết lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát có thể khiến giá dầu giảm xuống mức gần 60 USD/thùng.

Liên minh không có kế hoạch xem xét sản lượng của mình cho đến cuộc họp tiếp theo vào ngày 4/6. Nhưng OPEC cho biết hôm Chủ nhật rằng họ sẵn sàng “họp bất cứ lúc nào và thực hiện các biện pháp bổ sung ngay lập tức để giải quyết các diễn biến của thị trường” nếu cần.