VNReport»Kinh tế»Phó thủ tướng: Tăng trưởng 6-6,5% năm 2022 là thách thức lớn

Phó thủ tướng: Tăng trưởng 6-6,5% năm 2022 là thách thức lớn

09:19 - 24/05/2022

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhận định rằng những khó khăn đối với nền kinh tế khiến mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% đặt ra đầu năm trở thành thách thức lớn.

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6% đến 6,5% trong năm nay là thách thức lớn, do những khó khăn đối với nền kinh tế và sự phục hồi toàn cầu chậm hơn dự kiến, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết hôm thứ Hai.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam tăng 5,03% trong quý đầu tiên so với một năm trước đó, nhanh hơn mức tăng 4,72% cùng kỳ năm ngoái, khi đất nước mở cửa trở lại nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu, sau khi nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch. Mức xuất siêu 4 tháng đầu năm của đất nước là 2,53 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó Thủ tướng báo cáo với Quốc hội rằng đà tăng trưởng đang gặp khó khăn, với sự phục hồi toàn cầu chậm lại do tác động của đại dịch, xung đột Nga-Ukraine, áp lực lạm phát và giá dầu tăng. Ông cho biết một số chuỗi cung ứng vẫn bị gián đoạn trong khi các công ty phải đối mặt với chi phí đầu vào cao, đặc biệt là chi phí năng lượng.

“Việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6-6,5% là thách thức rất lớn”, ông nói.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo trước Quốc hội ngày 23/5.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo trước Quốc hội ngày 23/5.

Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp đôi cùng kỳ 2018-2021. Điều này tạo áp lực lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tỷ giá cũng sắp đứng trước áp lực tăng do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục có nhiều đợt tăng lãi suất, xung đột Nga-Ukraine kéo dài, giá nhập khẩu đầu vào tăng mạnh.

Xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cùng với đó là các vấn đề về quy hoạch, giải ngân vốn đầu tư công, quản lý tài sản công …

Chính phủ cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan là “chỉ đạo, điều hành có lúc, có nơi còn lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, chưa đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất”. Việc phân tích, dự báo tình hình còn hạn chế.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp linh hoạt cả về tiền tệ và tài khóa để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Những ưu tiên khác bao gồm chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; cơ cấu lại các ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu; tăng cường quản lý, giảm sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công …