VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Puma dự kiến nhà cung cấp Việt Nam hồi phục sản xuất hoàn toàn vào cuối tháng 11

Puma dự kiến nhà cung cấp Việt Nam hồi phục sản xuất hoàn toàn vào cuối tháng 11

14:08 - 28/10/2021

Nguồn cung của Puma dự kiến vẫn bị ảnh hưởng cho đến cuối năm nay và sang quý đầu năm sau.

CEO Puma Bjorn Gulden hôm thứ tư cho biết các nhà cung cấp ở Việt Nam đang trở lại sản xuất và sẽ đạt 100% sản lượng vào cuối tháng 11. Tuy nhiên, ông vẫn dự kiến nguồn cung của công ty đồ thể thao Đức bị ảnh hưởng cho đến cuối năm nay và sang quý I/2022.

1/3 sản phẩm của Puma được sản xuất tại Việt Nam.

Một phần ba sản phẩm của Puma được sản xuất tại Việt Nam.

Vì vậy, trong bối cảnh đang có các nút thắt về vận tải, Puma khuyến cáo khách hàng nên mua sắm sớm cho dịp Giáng sinh. “Nếu bạn muốn mua quà Giáng sinh, bạn nên mua ngay bây giờ”, Gulden nói trong cuộc họp báo. Đồng thời, ông cho biết thêm rằng các vấn đề của chuỗi cung ứng, cộng với chi phí nguyên vật liệu tăng, có thể dẫn đến giá cao hơn trên thị trường nửa cuối năm 2022.

Puma cũng dự đoán rằng doanh thu của họ ở Trung Quốc tiếp tục bị ảnh hưởng bởi phong tỏa Covid và sự tẩy chay của người tiêu dùng đối với các thương hiệu phương Tây do cuộc tranh cãi chính trị hồi đầu năm nay.

Các nhà máy tại Việt Nam, một nhà cung cấp chính cho ngành giày dép thế giới và nơi Puma sản xuất 1/3 sản phẩm của mình, đã đóng cửa từ 10 đến 11 tuần do các biện pháp kiềm chế sự bùng phát của Covid-19.

Đối thủ Nike cắt giảm kỳ vọng doanh thu cho năm tài chính 2022 vào tháng trước và cũng cho biết họ dự kiến ​​sẽ chậm trễ trong mùa mua sắm dịp lễ, đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng.

Puma cho biết doanh thu trong quý III, khi việc các nhà máy Việt Nam đóng cửa chưa ảnh hưởng đến nguồn cung, tăng 20,4% (sau điều chỉnh tỷ giá) lên 1,9 tỷ euro (2,21 tỷ USD) và lợi nhuận hoạt động tăng lên 229 triệu euro, vượt cả 2 dự báo của các nhà phân tích. Doanh thu của Puma tăng 31% ở châu Mỹ và 22% ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi; nhưng chỉ tăng 1,7% ở châu Á/Thái Bình Dương do căng thẳng với Trung Quốc và phong tỏa Covid ở các thị trường lớn như Nhật Bản.

Ở Trung Quốc đại lục, doanh thu của công ty giảm 16% do các đợt phong tỏa liên tục và ảnh hưởng của việc người tiêu dùng tẩy chay. Những thương hiệu phương Tây, bao gồm cả Puma, hứng chịu sự tấn công của cư dân mạng ở Trung Quốc vào cuối tháng 3 sau tuyên bố rằng họ sẽ không mua bông từ Tân Cương sau các báo cáo về vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Bắc Kinh phủ nhận những cáo buộc đó.

Gulden cho biết Puma chưa có khả năng tiếp thị với những người nổi tiếng Trung Quốc và lượng người mua sắm tại các cửa hàng đã giảm. Nhưng ông lạc quan về sự kiện mua sắm “Ngày độc thân” ở Trung Quốc vào tháng 11 và sự phục hồi trong trung hạn ở thị trường này.

Puma nâng dự báo tăng trưởng doanh thu sau điều chỉnh tỷ giá trong cả năm lên ít nhất 25%, so với dự báo trước đó là ít nhất 20%. Gulden cũng cho biết công ty hy vọng sẽ tăng gấp đôi doanh thu hàng năm lên hơn 10 tỷ euro. “Chúng tôi dự đoán nhu cầu tiếp tục cao đối với các sản phẩm của mình, nhưng chúng tôi cũng thấy hạn chế về nguồn cung tiếp tục là vấn đề trong thời gian còn lại của năm”, Gulden cho biết.