VNReport»Kinh tế»Quản lý tài chính thông minh để tận hưởng tuổi nghỉ hưu an nhàn

Quản lý tài chính thông minh để tận hưởng tuổi nghỉ hưu an nhàn

08:16 - 14/08/2024

Lên kế hoạch quản lý tài chính cá nhân sau khi về hưu kỹ lưỡng để có một cuộc sống an nhàn.

Theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động quy định, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường năm 2023 đối với lao động nam là 60 tuổi 9 tháng, trong khi đó với lao động nữ là 56 tuổi.

Với độ tuổi nghỉ hưu đó, ngoài đối mặt với các vấn đề về sức khỏe thể chất, việc quản lý tài chính sau khi nghỉ hưu trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều người.

Ngày nay, với sự tiến bộ của công nghệ y tế, việc đạt đến độ tuổi 100 đã không còn là cột mốc xa vời. Theo nguồn tin trên báo Tuổi trẻ online, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2023, dân số Việt Nam là 100,3 triệu người. Tuổi thọ trung bình của dân số cả nước năm 2023 là 73,7 tuổi (năm 2022 là 73,6 tuổi), trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,5 tuổi. Tuy nhiên, với tuổi thọ trung bình này, nếu các nguồn quỹ hưu trí không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày, sống thọ lại trở thành một rủi ro đáng lưu tâm.

Dễ nhận thấy nhất là rủi ro lạm phát, giá cả của tất cả các sản phẩm và dịch vụ ngày nay đều liên tục tăng lên so với 10 năm trước. Thậm chí trong gần 30 năm qua, lạm phát bình quân của Việt Nam là khoảng 5%/năm, tăng kỷ lục lên 28,32% tại thời điểm tháng 8/2008. Như vậy, nếu lợi nhuận đầu tư của chúng ta không theo kịp hoặc trên mức lạm phát thì chi phí sinh hoạt gia tăng chắc chắn sẽ làm hao mòn tiền tiết kiệm của người về hưu. Ngoài lạm phát thì người nghỉ hưu cũng có thể phải đối mặt với rủi ro đầu tư.

Quản lý tài chính sau khi nghỉ hưu là mối quan tâm của nhiều người

Vậy làm thế nào để bảo vệ và quản lý tiền tiết kiệm hưu trí một cách hợp lý trở thành một bài toán khó, nhất là với nhiều người lớn tuổi, có lẽ họ sẽ cảm thấy lo lắng và bất lực trong vấn đề này. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, cần tham khảo một số kế hoạch cũng như bí quyết để quản lý tài sản sau khi nghỉ hưu một cách khôn ngoan và hợp lý.

Đây là một số nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân sau khi về hưu:

Xác định mục tiêu tài chính

Đây là điều cần thiết khi bước vào giai đoạn nghỉ hưu. Bạn cần xác định rõ các mục tiêu: duy trì mức sống hiện tại, tài trợ cho các hoạt động giải trí – du lịch, đảm bảo chi phí chăm sóc sức khoẻ hay để lại tài sản cho con cháu.

Xác định rõ các mục tiêu này để phân chia tiền bạc một cách hợp lí.

Phân bổ tài sản

Trước khi phân bổ tài sản, cần rà soát toàn bộ tài sản mình có bao gồm tiền mặt, tiền gửi trong ngân hàng, tiền bảo hiểm, lương hưu, các khoản đầu tư (nếu có),…

Sau khi rà soát tài sản xong, dựa trên mục tiêu đã xác định, hãy phân chia tài sản cho từng mục tiêu một cách hợp lí. Lưu ý cần cân đối giữa các khoản đầu tư an toàn với các khoản đầu tư có rủi ro nhưng sinh lời cao như là bất động sản hay cổ phiếu. Điều này sẽ giúp ổn định dòng tiền, ngừa rủi ro và có thể giúp tăng trưởng tài sản.

Quản lý chi tiêu

Hãy lập một ngân sách chi tiêu hợp lý, ưu tiên các khoản chi cần thiết như chi phí sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, và hãy nhớ dành một phần ngân sách cho các hoạt động vui chơi, giải trí.

Bên cạnh đó cũng đừng quên để ra một khoản dự phòng đủ lớn để đối phó với các tình huống bất ngờ.

Tăng thêm thu nhập

Tận dụng các kênh thu nhập bổ sung cũng là một bí quyết quản lý tài chính cá nhân khi nghỉ hưu hiệu quả. Có thể tăng thêm thu nhập bằng cách cho thuê bất động sản hoặc kinh doanh nhỏ, thậm chí có một số công việc bán thời gian phù hợp với sức khỏe của người cao tuổi.

Nếu có, các khoản tăng thêm này sẽ giúp tăng cường dòng tiền cho người nghỉ hưu, đồng thời ở mặt sức khoẻ tinh thần, nó cũng giúp mang lại cảm giác hữu ích và giá trị cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu.

Lên kế hoạch cho người thừa kế
Thực tế, không có nhiều người lên kế hoạch cho người thừa kế. Việc lên kế hoạch cho người thừa kế bao gồm việc xây dựng di chúc, lập các quỹ tín thác, hoặc chia sẻ tài sản cho con cháu.

Nhìn chung, quản lý tài chính cá nhân sau khi về hưu là một việc đòi hỏi sự cẩn trọng và lên kế hoạch kỹ lưỡng. Hãy thận trọng tham khảo các kế hoạch quản lý tài chính sau khi về hưu để có cho mình một cuộc sống về hưu an nhàn.

Theo: https://tuoitre.vn/nam-2023-dan-so-viet-nam-dat-100-3-trieu-dan-tuoi-tho-trung-binh-73-7-tuoi-20231230091202154.htm