VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Reuters: Bị chậm lương, một số phi công rời Bamboo Airways

Reuters: Bị chậm lương, một số phi công rời Bamboo Airways

17:07 - 26/09/2023

Một nguồn tin cho biết khoảng 30 phi công nước ngoài đã rời Bamboo Airways trong 2 tháng qua, tương đương 10% tổng số phi công của hãng.

Theo các nguồn tin của Reuters, một số phi công đã rời hãng hàng không Bamboo Airways trong 2 tháng qua do bị chậm lương.

Khoảng 30 phi công người nước ngoài rời Bamboo Airways trong thời gian trên, bằng hơn 10% tổng số phi công của hãng vào tháng 6, theo một nguồn tin. Nguồn tin thứ hai nói một số phi công bỏ việc và những người khác bị cho thôi việc.

Trong một tuyên bố với Reuters, hãng hàng không lớn thứ 3 của Việt Nam cho biết đang tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ, bao gồm mạng lưới đường bay, đội máy bay và nhân lực. Tuyên bố cho biết: “Bamboo Airways gần đây đã cắt giảm một số nhân sự phi công để phục vụ mục tiêu này”, đồng thời phủ nhận việc chậm thanh toán lương là nguyên nhân dẫn đến tình trạng phi công nghỉ việc. Hãng cũng không trả lời câu hỏi về số phi công đã nghỉ việc.

Bamboo Airways thừa nhận “đã cắt giảm một số nhân sự phi công” để phục vụ tái cấu trúc.

Bamboo Airways thừa nhận “đã cắt giảm một số nhân sự phi công” để phục vụ tái cấu trúc.

Các nguồn tin cho biết nhiều nhân viên tại Bamboo đôi khi bị chậm lương nhưng cho đến gần đây, trình trạng này không ảnh hưởng đến các phi công nước ngoài, vốn chiếm phần lớn trong đội ngũ phi công của hãng.

Các tin nhắn mà Reuters xem được, từ một diễn đàn nội bộ của công ty mà ban lãnh đạo sử dụng để liên lạc với các phi công nước ngoài, cho thấy một số khoản thanh toán lương bị chậm trễ.

Một tin nhắn ngày 21/8 từ đại diện công ty trên diễn đàn nói với các phi công nước ngoài rằng họ sẽ nhận được vào ngày hôm đó 35% tiền lương tháng đã đến hạn một tuần trước, và họ sẽ được thông báo về phần còn lại khi có thêm thông tin.

Một tin nhắn tương tự cũng được gửi đi một tháng trước đó.

Số tiền này sau đó đã được thanh toán đầy đủ nhưng các phi công nước ngoài vẫn chưa nhận được lương tháng 8 – đến hạn vào ngày 15/9, theo thông tin từ một nguồn tin vào ngày 25/9.

Trong tuyên bố với Reuters, Bamboo Airways cũng cho biết hãng đang hoạt động ổn định và có kế hoạch huy động vốn từ các cổ đông chiến lược. Họ cho biết một trong những nhà đầu tư lớn của mình – Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) – bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng dài hạn và mong muốn tăng cường đầu tư vào hãng hàng không này.

Tháng trước, trong một lá thư gửi nhân viên mà Reuters đã xem, tân Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Trọng nói rằng Bamboo Airways đang phải đối mặt với “giai đoạn khó khăn” nhưng cho biết Chính phủ cam kết hỗ trợ công ty. Ông Trọng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc vào tháng 7 khi người tiền nhiệm từ chức sau chưa đầy 2 tháng tại vị.

Kể từ khi cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt giữ vào tháng 3/2022 với cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán, Bamboo Airways rơi vào khủng hoảng với những thay đổi liên tục trong ban lãnh đạo và tái cấu trúc mạnh tay.

Bamboo Airways chiếm khoảng 17% thị phần tại Việt Nam, Tổng giám đốc khi đó của hãng cho biết vào tháng 3. Công ty lỗ ròng hơn 17.600 tỷ đồng trong năm 2022, theo báo cáo tài chính kiểm toán.

Các chuyến bay của Bamboo vẫn khởi hành đều đặn, theo lịch trình tại các sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Theo trang web theo dõi Planespotters.net, 7 trong số 30 máy bay của hãng, bao gồm một số chiếc mới mua gần đây, đang đỗ để bảo trì.