VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Rộng mở thị trường xuất khẩu vải thiều

Rộng mở thị trường xuất khẩu vải thiều

15:42 - 16/05/2025

Nhờ nỗ lực nâng cao chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ quốc tế, quả vải thiều Việt Nam đã chinh phục được nhiều thị trường khó tính.

Do thời tiết thuận lợi và sinh vật gây hại được kiểm soát tốt, niên vụ vải năm nay được dự báo đạt mùa bội thu, với sản lượng tăng 30% so với năm 2024, ước tính hơn 300.000 tấn. Theo kế hoạch tiêu thụ vải niên vụ 2025, dự kiến 60% sản lượng sẽ được tiêu thụ nội địa qua chợ đầu mối và siêu thị, trong khi 40% còn lại sẽ được xuất khẩu.

Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, ngoài các vùng trồng chính ở Bắc Giang và Hải Dương, các vùng như Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Đăk Lăk cũng đạt năng suất tốt, với 469 mã số vùng trồng sẵn sàng xuất khẩu sang 20 quốc gia. Trong đó, Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn nhất, chiếm 90% thị trường xuất khẩu. Ngoài Trung Quốc, năm nay, vải thiều năm nay cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ các thị trường khác.

Cụ thể, vùng vải xã Phúc Hòa hiện có hai đơn đặt hàng lớn, gồm 200 tấn xuất khẩu sang Hoa Kỳ và 500 tấn vào châu Âu. Đáng chú ý, trước khi xuất khẩu, vải sẽ được lấy mẫu kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phải tuân thủ các hàng rào kỹ thuật. Để tăng số lượng đơn hàng, các đơn vị nhập khẩu cho rằng cần cải thiện sức cạnh tranh về giá và khâu bảo quản.

Niên vụ vải năm nay được dự báo đạt mùa bội thu, với sản lượng tăng 30% so với năm 2024, ước tính hơn 300.000 tấn

Ông Trịnh Minh Phương, Phó Giám đốc Công ty Movaplus, nhấn mạnh: “Chúng ta cần nghiên cứu để có mức giá hợp lý cho người tiêu dùng châu Âu. Nếu giá vải bằng giá cherry ở châu Âu, chúng ta có thể tin tưởng tiêu thụ 5.000 tấn trong 5 năm tới”.

Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Ameii Việt Nam cho rằng, tầm quan trọng của việc duy trì chất lượng và kéo dài thời gian bảo quản sẽ là yếu tố góp phần mở rộng thị trường. Trong bối cảnh sản lượng vải năm nay được dự báo tăng mạnh, đơn vị đã đầu tư thêm dây chuyền sơ chế và nâng cấp hệ thống kho lạnh với khả năng tạm trữ hơn 5.000m³. Điều này sẽ hỗ trợ cả doanh nghiệp và nông dân, đặc biệt khi vải có thời gian thu hoạch ngắn và dễ hư hỏng trong vận chuyển.

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công ty VIFOCO, cho biết công ty cũng thuê thêm kho lạnh của các đơn vị khác để bảo quản hàng hóa theo đúng kế hoạch.

Thực tế, bắt đầu từ niên vụ 2025, Nhật Bản đã ủy quyền cho Việt Nam giám sát các lô hàng vải xuất khẩu thay vì cử chuyên gia sang. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi đó, đối với thị trường Hoa Kỳ và Australia, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã hoàn tất hồ sơ và được phê duyệt cho 3 cơ sở chiếu xạ và 3 cơ sở xông hơi khử trùng đủ điều kiện xuất khẩu.

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho hay: “Chúng tôi đang phối hợp với một số doanh nghiệp nhập khẩu từ Mỹ và các địa phương như Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên để xây dựng cơ chế tài chính phù hợp, nhằm áp dụng biện pháp xử lý chiếu xạ hiệu quả trong thời gian tới.”

Trong 4 tháng qua, xuất khẩu nông sản đạt 11,6 tỷ USD, trong đó mặt hàng trái cây tăng gần 19%. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ vùng trồng và chủ động kết nối thị trường sẽ tạo đà thuận lợi cho trái vải thiều, góp phần tích cực cho xuất khẩu nông sản trong quý 2.

https://vtv.vn/kinh-te/rong-mo-thi-truong-xuat-khau-vai-thieu-20250516085400488.htm