VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Các nhà máy châu Á thiếu nguồn cung

Các nhà máy châu Á thiếu nguồn cung

14:27 - 02/11/2021

Thiếu nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng là những khó khăn chính mà các nhà máy trong khu vực gặp phải khi mở lại hoạt động sản xuất.

Các nhà máy ở châu Á tăng cường hoạt động vào tháng 10 khi những nền kinh tế mới nổi chứng kiến ​​làn sóng lây nhiễm Covid-19 rút đi. Nhưng chi phí đầu vào tăng, tình trạng thiếu nguyên liệu và tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc đang làm mờ triển vọng, theo những cuộc khảo sát kinh doanh đầu tuần này.

Giới hoạch định chính sách trong khu vực phải đối mặt với áp lực trên nhiều mặt trận khi đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng ảm đạm do đại dịch gây ra, đồng thời cố gắng giữ giá cả trong tầm kiểm soát trong bối cảnh chi phí hàng hóa tăng và thiếu hụt nguyên liệu.

Nhiều nhà máy ở Đông Nam Á phải ngừng hoặc thu hẹp hoạt động vì các biện pháp đối phó với Covid-19 trong mùa hè vừa qua.

Nhiều nhà máy ở Đông Nam Á phải ngừng hoặc thu hẹp hoạt động vì các biện pháp đối phó với Covid-19 trong mùa hè vừa qua.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong 4 tháng vào tháng 10, theo chỉ số nhà quản lý thu mua (PMI) sản xuất Caixin/Markit của khu vực tư nhân công bố vào thứ Hai, khi số ca Covid-19 giảm thúc đẩy nhu cầu trong nước. Nhưng một chỉ số phụ cho thấy sản lượng đã giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp do thiếu điện và chi phí tăng cao, phù hợp với chỉ số PMI chính thức hôm Chủ nhật cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 10 giảm.

Wang Zhe, nhà kinh tế cấp cao của Caixin Insight Group, cho biết: “Tình trạng thiếu nguyên liệu thô và giá hàng hóa tăng cao, kết hợp với vấn đề cung cấp điện, đã tạo ra những hạn chế nghiêm trọng đối với nhà sản xuất và làm gián đoạn chuỗi cung ứng”.

Hoạt động sản xuất vào tháng 10 mở rộng tại Việt Nam, Indonesia và Malaysia khi nền kinh tế dần bình thường trở lại sau khi ngừng hoạt động do các biện pháp đối phó với số ca Covid-19 tăng đột biến. Đài Loan chứng kiến ​​tốc độ tăng trưởng hoạt động sản xuất cao hơn do nhu cầu chip mạnh mẽ. Trong khi đó, hoạt động sản xuất của Nhật Bản mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong 6 tháng vào tháng 10, là một dấu hiệu đáng khích lệ cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Hoạt động sản xuất của Ấn Độ mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong 8 tháng vào tháng 10, thể hiện sự phục hồi kinh doanh kéo dài ở nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á.

Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy tính chất chắp vá của sự phục hồi trong khu vực, hoạt động sản xuất ở Hàn Quốc tăng với tốc độ chậm nhất trong 13 tháng vào tháng 10 do sản lượng thu hẹp và nhu cầu giảm. Ngoài ra, tình trạng thiếu nguyên liệu và gián đoạn giao hàng khiến giá đầu vào của Nhật Bản tăng cao nhất trong hơn 13 năm.

“Mặc dù những chỉ số PMI sản xuất tháng 10 cho thấy sản lượng sản xuất tăng mạnh, ngành công nghiệp có khả năng phải làm việc với lượng đơn đặt hàng tồn đọng khổng lồ trong nhiều tháng tới và dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung tiếp tục kéo dài”, theo Alex Holmes, nhà kinh tế châu Á mới nổi tại Capital Economics.

PMI Nhật Bản do ngân hàng Jibun thống kê trong tháng 10 tăng lên 53,2 từ mức 51,5 của tháng trước, tăng tháng thứ 9 liên tiếp. Ngược lại, PMI của Hàn Quốc giảm xuống 50,2 vào tháng 10 từ mức 52,4 vào tháng 9, mặc dù việc đứng trên ngưỡng 50 cho thấy sự mở rộng sản xuất tháng thứ 13 liên tiếp. PMI của Việt Nam tăng lên 52,1 từ 40,2 vào tháng 9, trong khi của Indonesia tăng lên 57,2 từ 52,2. Chỉ số của Malaysia đạt mức 52,2, tăng từ 48,1.