VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Số triệu phú ở các nền kinh tế mới nổi tăng nhanh

Số triệu phú ở các nền kinh tế mới nổi tăng nhanh

15:36 - 21/09/2022

Theo báo cáo của Credit Suisse, tài sản của các triệu phú tại các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng 10% mỗi năm, so với mức tăng 4,2% tại các nước thu nhập cao.

Lãi suất tăng và chiến tranh Nga-Ukraine khiến giá tài sản trên toàn cầu sụt giảm mạnh trong năm nay. Trong nửa đầu năm nay, 500 người giàu nhất thế giới trong xếp hạng Bloomberg Billionaires Index đã mất tổng cộng 1,4 nghìn tỷ USD tài sản ròng.

Tuy nhiên, số triệu phú USD trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng thêm 40% trong 5 năm tới. Cụ thể, theo Báo cáo Tài sản Toàn cầu (Global Wealth Report) 2022 của ngân hàng Thuỵ Sỹ Credit Suisse Group AG cho biết, đến năm 2026, thế giới sẽ có hơn 87,5 triệu người với tài sản từ 1 triệu USD trở lên, trong khi con số này là 62,5 triệu người trong năm 2021.

Cũng theo báo cáo của Credit Suisse, tài sản tư nhân trên toàn cầu đến năm 2026 sẽ tăng 36% so với năm 2021, đạt 169 nghìn tỷ USD. Trong đó, tài sản bình quân mỗi người trưởng thành trên toàn cầu đến năm 2024 sẽ tăng 28%, lần đầu tiên vượt qua mốc 100.000 USD. Số người siêu giàu (những cá nhân sở hữu tài sản hơn 50 triệu USD) sẽ đạt 385.000 người vào năm 2026.

Ngân hàng Credit Suisse chuyên quản lý tài sản của những người giàu nhất thế giới

Đáng chú ý, số triệu phú sẽ tăng nhanh hơn ở các nền kinh tế mới nổi, nhất là ở Trung Quốc – nơi có số triệu phú được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 5 năm. Credit Suisse dự báo tốc độ sản sinh tài sản ở Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ cho dù nền kinh tế này đang giảm tốc mạnh do chính sách chống Covid nghiêm ngặt và chiến dịch siết kiểm soát các ngành phát triển bùng nổ trong những năm qua như công nghệ và bất động sản. Dự báo, tài sản của các hộ gia đình ở Trung Quốc sẽ tiếp tục rút ngắn khoảng cách với Mỹ chỉ trong 5 năm từ 2021 đến 2026.

Bên cạnh đó, sự vực dậy của các nền kinh tế đang phát triển sau ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch Covid-19 cũng khiến tốc độ tăng trưởng tài sản khởi sắc trở lại. Dự báo tài sản ở các nước này sẽ thu hẹp khoảng cách với tài sản ở các nước phát triển trong 5 năm tới khi tài sản của các hộ gia đình tại các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng 10% mỗi năm, so với mức tăng 4,2% tại các nước thu nhập cao.

Theo chuyên gia kinh tế Anthony Shorrocks của Credit Suisse, đã có sự thu hẹp khoảng cách giữa những nước giàu và những nước kém giàu hơn khi số người giàu ở các nước thu nhập thấp và trung bình đang tăng lên với tốc độ nhanh hơn.

Năm 2021, tài sản toàn cầu tăng 9,8% so với năm 2020, đạt 463,6 tỷ USD. Mức tăng này lớn hơn bất kỳ mức tăng hàng năm nào được ghi nhận kể từ đầu thế kỷ. Nhóm 1% giàu nhất chiếm 46% tổng tài sản của các hộ gia đình trên toàn cầu; nhóm 10% người trưởng thành giàu nhất sở hữu 82% tài sản trên toàn cầu. Mỹ có số lượng cá nhân có giá trị ròng cực cao (trên 50 triệu USD), cao nhất với hơn 140.000 người; tiếp theo là Trung Quốc với 32.710 người.

Tại Việt Nam, do là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh trong vòng 20 năm lại đây nên tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, giàu và siêu giàu cũng thuộc nhóm nhanh nhất thế giới.

Báo cáo tài sản vào quý I/2022 của Knight Frank ước tính tốc độ gia tăng triệu phú của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2025 là 32% trong khi tốc độ tăng người siêu giàu với tổng tài sản trên 30 triệu USD là 31%.

Cũng theo báo cáo, hiện có khoảng 19.500 triệu phú USD tại Việt Nam. Đến năm 2025, con số này sẽ tăng gần 25% lên 25.000 người. Với lượng triệu phú này, dự kiến Việt Nam sẽ đứng thứ 4 Đông Nam Á về số triệu phú sau Singapore, Indonesia và Thái Lan. Dự báo đến năm 2025, số lượng giới siêu giàu tại Việt Nam sẽ tăng lên 511 người.

Nếu xét số lượng siêu triệu phú (những người siêu giàu với tài sản trên 30 triệu USD), Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong số các nước ASEAN-6 với 390 người. Hiện nay, Việt Nam cũng đứng thứ 6 Đông Nam Á về số lượng tỷ phú USD với 6 người (theo Forbes).