VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Startup Việt giải bài toán về vốn

Startup Việt giải bài toán về vốn

21:15 - 26/01/2022

Dù nguồn vốn dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) Việt tăng mạnh trong thời gian vừa qua nhưng chỉ đang tập trung cho một vài tên tuổi lớn.

Nguồn vốn phân bổ không đồng đều

Trái ngược với dự đoán nguồn vốn đầu tư mạo hiểm vào các công ty khởi nghiệp của Việt Nam sẽ giảm do tác động của đại dịch Covid-19, năm 2021 lại ghi nhận tổng vốn đầu tư cao nhất trong lịch sử.

Theo Nexttrans, năm 2021, đã có hơn 1,3 tỷ USD vốn mạo hiểm được các nhà đầu tư rót vào startup Việt, cao gấp 4,2 lần so với 2020 và cũng vượt xa mốc kỷ lục năm 2018 – thời điểm chưa có Covid-19. Trước đó, 2018-2019 được coi là giai đoạn bùng nổ của phong trào khởi nghiệp khi ghi nhận số vốn đầu tư mạo hiểm lần lượt đạt 889 và 861 triệu USD.

Tuy nhiên, trong số khoảng 3.800 startups tại Việt Nam, số lượng kỳ lân (unicorns) chỉ có 4 (gồm VNG, VNLife, MoMo, Sky Mavis) và lượng startup được định giá trên 100 triệu USD cũng mới dừng lại ở con số 11 (như Tiki, Topica Edtech…).

Các startup vẫn khó khăn trong việc huy động và tiếp cận vốn

Năm 2021, các lĩnh vực hút vốn bao gồm Fintech, games, giáo dục, sức khỏe, TMĐT… Trong đó, Fintech đang là “mảnh đất” hấp dẫn nhất, chiếm 26,6% tổng số thương vụ. Nổi bật là hai thương vụ đầu tư trên 100 triệu USD của MoMo và VNLife. Tháng 12/2021, MoMo huy động thành công 200 triệu USD, đồng thời nâng định giá lên gần 2 tỷ USD. Còn VNLife – công ty sở hữu ứng dụng VNPay cũng gọi được 250 triệu USD tại Series B. Mảng thương mại điện tử cũng vẫn giữ được sức nóng với thương vụ huy động 258 triệu USD của Tiki.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến ngôi sao mới Sky Mavis – startup ứng dụng công nghệ blockchain vào game. Trong bối cảnh các game ứng dụng blockchain, NFT trở thành xu hướng, Sky Mavis đã nhận được 152 triệu USD vốn đầu tư, không chỉ trở thành kỳ lân mới của Việt Nam mà còn gây tiếng vang trên toàn thế giới.

Như vậy, chỉ riêng MoMo, VNLife, Tiki và Sky Mavis đã đóng góp 860 triệu USD, tương đương hơn 66% tổng số vốn cả thị trường huy động được trong năm 2021. Con số này phần nào cho thấy thực tế rằng dù nguồn vốn dành cho startups Việt tăng mạnh nhưng chỉ đang tập trung cho một vài tên tuổi lớn. Thậm chí MoMo, Loship, Citics, Sky Mavis còn gọi vốn thành công 2 lần chỉ trong năm nay. Còn lại, hầu hết các thương vụ trong năm 2021 đều được ghi nhận ở vòng Pre-seed (giai đoạn sơ khai) và Seed (vòng ‘hạt giống’).

Cần sự nỗ lực hơn nữa

Về mặt pháp lý, đến nay Việt Nam đã có Luật số 04/2017/QH14 về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và Nghị định 38/2018/NĐ-CP chi tiết Luật số 04/2017/QH14, trong đó đã có quy định về các nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, riêng đối với startup, Việt Nam đã có Chỉ thị số 09/CT-TTG năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, là tiền đề cho việc thúc đẩy sự ra đời và hoạt động của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Tại Chỉ thị này, vai trò, chức năng của các cơ quan quản lý đầu ngành Việt Nam đã được chỉ rõ trong việc thực hiện các công tác bước đầu để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp startup.

Về mặt thị trường, hiện nay Việt Nam có 202 khu làm việc chung; 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; 79 cơ sở ươm tạo; 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Năm 2019, Trung tâm Đổi mới sáng tạo ra đời, nhằm thúc đẩy hệ sinh thái cho sự phát triển của doanh nghiệp startup.

Tháng 12/2021, Cộng đồng Kết nối doanh nghiệp ở TP HCM cũng đã ra mắt và trở thành cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về kết nối mạng lưới giao thương, đào tạo, thúc đẩy cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Mặc dù có những nỗ lực như vậy, các doanh nghiệp nhỏ và startup vẫn gặp nhiều khó khăn khi muốn thu hút vốn đầu tư để khởi nghiệp và mở rộng sản xuất. Theo báo cáo Chỉ số Cạnh tranh cấp tỉnh, những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh là: tìm kiếm khách hàng (64%), tiếp cận vốn (41%), biến động thị trường (33%). Điều đáng lưu ý là tỷ lệ các doanh nghiệp cho biết họ gặp nhiều trở ngại với ba yếu tố khó khăn nhất kể trên ngày càng tăng qua các năm. Do vậy, Việt Nam trong thời gian tới cần nghiên cứu các giải pháp khắc phục các vấn đề trên, từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước nhà.

Dưới góc độ pháp lý, theo TS. Bùi Hữu Toàn – Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, vốn vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn trở thành rào cản phổ biến nhất khi thực hiện hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định về tiếp cận vốn cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhưng để tiếp cận nguồn vốn là chìa khoá thúc đẩy cho hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam, các quy định của pháp luật cần được tiếp tục hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn.

Để phát huy tiềm năng phát triển cho các mô hình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thông qua tiếp cận đa dạng nguồn vốn, theo TS. Bùi Hữu Toàn, cần tập trung vào các giải pháp cơ bản sau đây:

Thứ nhất, nghiên cứu triển khai phát triển mạng lưới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo như là giải pháp đột phá cho các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được giới thiệu đến công chúng và thị trường gắn với kết nối thu hút nhà đầu tư trên thị trường.

Thứ hai, nghiên cứu xây dựng quy định về phát triển quỹ đầu tư nhằm mục đích gọi vốn từ cộng đồng để đầu tư vào các ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Thứ ba, nghiên cứu xây dựng chính sách, pháp luật về tín dụng cho hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, khi chúng ta tận dụng được các thế mạnh của mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn thì có thể trở thành một lợi thế cạnh tranh ở quy mô toàn nền kinh tế. Ngược lại, nếu các mô hình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo không được “ươm mầm” và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sẽ bị triệt tiêu hoặc không có cơ hội được đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, việc bảo đảm nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và startup Việt càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, cần sự chung tay, vào cuộc của các Bộ, ban, ngành và toàn thể cộng đồng doanh nghiệp.