VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»McDonald’s dùng máy bay chở khoai tây đến Nhật

McDonald’s dùng máy bay chở khoai tây đến Nhật

12:07 - 31/12/2021

Các nhà hàng ở Nhật Bản đang thiếu khoai tây chiên do nguồn nhập khẩu từ Bắc Mỹ và châu Âu tắc nghẽn.

McDonald’s đưa các phần khoai tây chiên vừa và lớn trở lại thực đơn ở Nhật Bản vào thứ Sáu sau khi dùng máy bay để vận chuyển nguyên liệu cần thiết, chấm dứt tình trạng hạn chế kéo dài 1 tuần do thiếu hụt.

Tuy nhiên, những chuyến hàng đến Nhật Bản vẫn đối mặt với sự gián đoạn trên diện rộng. Với việc các nhà hàng ở Nhật Bản hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu để chế biến loại đồ ăn nhanh này, vẫn chưa rõ vấn đề chuỗi cung ứng sẽ kéo dài bao lâu.

Khách hàng chỉ được mua các phần khoai tây chiên nhỏ tại khoảng 2.900 địa điểm của McDonald’s ở Nhật Bản, bắt đầu từ ngày 24/12. Nguyên nhân là các chuyến hàng khoai tây chiên đông lạnh từ Bắc Mỹ, vốn đã bị gián đoạn bởi tình trạng thiếu container toàn cầu, lại bị ảnh hưởng bởi lũ lụt gần Cảng Vancouver hồi tháng 11.

McDonald’s Nhật Bản phản ứng bằng cuộc không vận khẩn cấp. Nhưng điều này không thể bù đắp hoàn toàn cho những chuyến hàng thông thường qua đường biển – với khối lượng 100.000 tấn mỗi năm – buộc công ty phải ngừng phục vụ khoai tây chiên cỡ vừa và lớn. Mặc dù hạn chế hiện được dỡ bỏ, nhưng vẫn có lo ngại rằng McDonald’s có thể giới hạn khẩu phần một lần nữa, tùy mức tồn kho.

McDonald's không bán khoai tây chiên cỡ vừa và lớn trong 1 tuần.

McDonald’s Nhật Bản không bán khoai tây chiên cỡ vừa và lớn trong 1 tuần.

Không chỉ có McDonald’s gặp khó. Một chuỗi nhà hàng lớn khác cho biết họ cũng buộc phải vận chuyển bằng đường máy bay cho chuyến hàng gần đây nhất. “Việc làm này khiến chi phí của chúng tôi tăng lên gấp bội”, một đại diện của công ty cho biết. “Nhưng khoai tây chiên là một trong những món phổ biến nhất của chúng tôi, vì vậy chúng tôi không có lựa chọn nào khác”.

Chuỗi nhà hàng Denny’s ở Nhật Bản, do Seven & i Food Systems điều hành, hôm 20/12 cho biết sẽ phục vụ món khoai tây chiên có hình dạng khác với trong thực đơn, với lý do khó khăn trong nhập khẩu.

Aleph, nhà điều hành chuỗi Bikkuri Donkey, loại bỏ 5 món dựa trên khoai tây chiên ra khỏi thực đơn ở 132, tương đương khoảng 40%, địa điểm của chuỗi từ ngày 24/12 đến 12/1. Công ty nhập khẩu khoai tây chiên từ Bỉ, không phải Bắc Mỹ, nhưng các chuyến hàng đường biển từ quốc gia châu Âu này cũng đối mặt với sự gián đoạn lớn.

KFC cũng đình chỉ bán khoai tây chiên ở 20% địa điểm tại Nhật Bản từ ngày 8/10 đến ngày 21/10. Mặc dù đã dỡ bỏ hạn chế sau đó, tình hình vẫn chưa rõ ràng.

“Chúng tôi cuối cùng đã đảm bảo đủ nguồn cung đến hết dịp năm mới, nhưng chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra sau đó”, một nguồn tin tại một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh hàng đầu cho biết.

Khoai tây chiên ở các nhà hàng ở Nhật Bản phụ thộc hầu hết vào nhập khẩu. Gần 70% hiện đến từ Mỹ, sau khi Nhật Bản loại bỏ thuế quan đối với khoai tây chiên đông lạnh vào tháng 4 theo một hiệp định thương mại song phương.

Nhưng bất chấp đợt thiếu hụt đang diễn ra, 2 vấn đề chính đã khiến các doanh nghiệp không thể chuyển sang sử dụng hàng trong nước. Vấn đề đầu tiên là hầu như không có trang trại nào ở Nhật Bản trồng khoai tây Russet Burbank, thường được sử dụng trong khoai tây chiên. Giống này từng được thử nghiệm ở Hokkaido khi nhu cầu khoai tây chiên ngày càng tăng. Nhưng nó không thích hợp với khí hậu và không có giá đủ cao để thu hút sự quan tâm.

Nhật Bản cũng cấm nhập khẩu khoai tây tươi, lo ngại rằng chất bẩn trên vỏ của chúng có thể mang theo bệnh ngoại lai. Nước này bắt đầu cho phép vận chuyển một số lô hàng trong một vài tháng nhất định trong năm vào năm 2006 và trong suốt năm 2020. Nhưng những củ khoai tây này chỉ có thể được sử dụng để làm khoai tây lát mỏng và không thể được chế biến thành khoai tây chiên theo các quy tắc hiện hành.

Trước đây, khoai tây cũng gây lo ngại vào năm 2016, khi các trận bão làm giảm 10% số chuyến hàng từ Hokkaido. Khoai tây lát mỏng làm từ khoai tây trồng trong nước bị đình trệ, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng trên toàn quốc.

Các nhà sản xuất đồ ăn vặt như Calbee tăng nhập khẩu từ Mỹ và chuyển sang các nguồn nội địa ở những nơi khác trong nước để khỏa lấp sự thiếu hụt. Nhưng lựa chọn này hiện không khả thi đối với khoai tây chiên.

Năm 2014, McDonald’s Nhật Bản tạm thời ngừng bán khoai tây chiên cỡ vừa và lớn khi các chuyến hàng bị gián đoạn do đàm phán hợp đồng lao động tại các cảng của Mỹ. Vào thời điểm đó, họ không thể đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình vì những quy định của tập đoàn về độ dài miếng khoai tây.

Mặc dù bánh burger có tính linh hoạt giữa các nước, nhưng khoai tây chiên là sản phẩm toàn cầu cốt lõi của McDonald’s với các thông số nghiêm ngặt và những sản phẩm không đáp ứng được những yêu cầu này không được phép bán, theo công ty. Rất khó để giải quyết sự phụ thuộc vào nhập khẩu nếu không vượt qua được những rào cản vô hình như vậy.