VNReport»Kinh tế»Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm cao nhất kể từ năm 2011

Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm cao nhất kể từ năm 2011

11:25 - 29/09/2022

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.

Tại cuộc họp báo về số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết GDP quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng GDP 9 tháng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Trong 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04% vào mức tăng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2011, 2017 và 2018.

Khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17% vào mức tăng GDP chung; trong đó một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao như: Bán buôn, bán lẻ tăng 10,24% so với cùng kỳ năm trước; vận tải kho bãi tăng 14,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 41,7%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,05%.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%; khu vực dịch vụ chiếm 41,31%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế

Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục sau hai năm tổn thương, nhưng phải đối mặt với những thách thức trong nước cũng như môi trường kinh tế toàn cầu bất lợi trong ngắn hạn và trung hạn.

Nhận định về triển vọng kinh tế của Việt Nam, WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023. Lạm phát bình quân dự báo 3,8% trong năm 2022, khi nhu cầu trong nước tiếp tục được củng cố.

Theo WB, cùng với việc gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại, du khách quốc tế dần quay trở lại, khu vực dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo sẽ chậm lại trong ngắn hạn khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi. Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước mạnh hơn dự kiến sẽ bù đắp cho nhu cầu bên ngoài chững lại.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 7% trong năm 2022. Việt Nam cũng quốc gia duy nhất được IMF điều chỉnh tăng dự phóng tăng trưởng GDP đáng kể trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á.

IMF nhận định áp lực lạm phát của Việt Nam chủ yếu giới hạn ở một số hàng hóa như nhiên liệu và các dịch vụ liên quan như vận tải. Người tiêu dùng không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng giá lương thực toàn cầu do nguồn cung trong nước dồi dào, giá thịt lợn giảm so với mức đỉnh của năm 2021. Hơn nữa, mức tăng giá đối với các dịch vụ, chẳng hạn như y tế và giáo dục, cũng rất thấp.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5% cho năm 2022 (so với dự báo trong tháng 4/2022).

Theo các chuyên gia từ ADB, sự phục hồi kinh tế tại Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2022, được hỗ trợ bởi các nền tảng kinh tế mạnh mẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và tiêu dùng nội địa từ tháng 7 đến tháng 12.

Trong báo cáo tháng 8/2022, Moody cũng đưa ra đánh giá rất tích cực đối với dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022. Theo đó tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 8,5%, cao nhất so với các nền kinh tế trong khu vực. Cùng đó, ngày 6/9/2022, Moody nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định.