VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Tập Cận Bình sắp thăm 3 nước Đông Nam Á khi chiến tranh thương mại leo thang

Tập Cận Bình sắp thăm 3 nước Đông Nam Á khi chiến tranh thương mại leo thang

11:55 - 11/04/2025

Chủ tịch Trung Quốc sẽ công du Việt Nam, Malaysia và Campuchia, tìm cách thắt chặt quan hệ kinh tế ở Đông Nam Á vào thời điểm quan hệ thương mại với Mỹ đổ vỡ.

Vào tuần sau, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm nay tại Việt Nam, sau đó tới Malaysia và Campuchia, khi ông tìm cách thắt chặt quan hệ kinh tế ở Đông Nam Á vào thời điểm quan hệ thương mại với Mỹ đổ vỡ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Tập sẽ đến Việt Nam vào ngày 14 và 15/4, trước khi đến Malaysia và Campuchia, kết thúc chuyến đi vào ngày 18/4. Chuyến đi sẽ diễn ra sau khi Mỹ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên 145%. Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách áp thuế 84% đối với tất cả hàng hóa của Mỹ.

Ba quốc gia mà ông Tập sẽ đến thăm đã bị áp thuế quan “đối ứng” của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 9/4: 49% với Campuchia, 46% với Việt Nam và 24% với Malaysia. Trong một động thái bất ngờ, vào cùng ngày, ông Trump đã tạm dừng áp thuế trong 90 ngày, ngoại trừ với Trung Quốc. Mức thuế cơ bản 10% của ông vẫn áp dụng cho tất cả các quốc gia.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết Nhà Trắng đang hướng đến việc đạt được thỏa thuận với các đối tác thương mại trong 3 tháng tới trước khi tiếp cận Trung Quốc “như một nhóm”. Với việc chính quyền Trump đang cố gắng cô lập Trung Quốc, chuyến đi của ông Tập rất quan trọng khi các siêu cường tranh giành ảnh hưởng trong khối ASEAN.

Ông Tập đã chủ trì một cuộc họp cấp cao vào ngày 9/4 để thảo luận về "ngoại giao láng giềng". Ảnh: Yusuke Hinata/Nikkei Asia.

Ông Tập đã chủ trì một cuộc họp cấp cao vào ngày 9/4 để thảo luận về “ngoại giao láng giềng”. Ảnh: Yusuke Hinata/Nikkei Asia.

Trung Quốc coi Đông Nam Á là chìa khóa cho chiến lược thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng và đã cam kết tạo ra một “tương lai chung” gần gũi hơn. Năm ngoái, ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, tiếp theo là Liên minh châu Âu và Mỹ.

Ông Tập đã chủ trì một cuộc họp cấp cao vào ngày 9/4 để thảo luận về “ngoại giao láng giềng”, hướng đến mối quan hệ bền chặt hơn nữa khi thế giới đang trải qua thời kỳ mà kênh truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã gọi là “giai đoạn quan trọng”, ám chỉ đến cuộc chiến thương mại.

Stephen Olson – nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore và là cựu nhà đàm phán thương mại của Mỹ – cho biết động thái thúc đẩy ngoại giao láng giềng của Trung Quốc là khôn ngoan về mặt chiến thuật.

“Với việc Trump dường như quyết tâm phá vỡ các mối quan hệ thương mại toàn cầu, Trung Quốc có một cơ hội vàng để định vị mình là người lãnh đạo và người bảo vệ thương mại dựa trên luật lệ và mô tả Mỹ như một quốc gia bất hảo”, ông nói. “Các nước thứ ba cũng sẽ coi Trung Quốc là đối tác thương mại đáng tin cậy hơn nhiều, chắc chắn là khi so sánh với Mỹ, mặc dù những vấn đề với Trung Quốc sẽ không biến mất. Điểm mấu chốt là tất cả sự điên rồ về thuế quan của Trump có thể sẽ giúp nâng cao vị thế toàn cầu của Trung Quốc”.

Chuyến thăm của ông Tập tới Malaysia có ý nghĩa then chốt vì quốc gia này là chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay. Khối này đã tuyên bố sẽ tham gia đàm phán với Mỹ thay vì thực hiện bất kỳ hành động trả đũa nào.

“Điều này đặt ra thử thách cho khả năng duy trì chính sách đối ngoại trung lập, không liên kết của Thủ tướng Anwar Ibrahim trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng”, theo Ilango Karuppannan, cựu đại sứ Malaysia và nhà phân tích chính sách đối ngoại.

Tờ Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – viết trong một bài bình luận vào ngày 6/4 rằng các thị trường mới nổi, bao gồm cả các thị trường ở Đông Nam Á, có “tiềm năng to lớn” cho hợp tác kinh tế và thương mại trong bối cảnh xung đột thương mại gia tăng.

Tờ Nhân dân Nhật báo cho biết tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu sang Đông Nam Á của Trung Quốc đã tăng lên 16,4% trong năm 2024 từ mức 12,8% trong năm 2018, thể hiện tầm quan trọng của khu vực này đối với thương mại của Trung Quốc, đặc biệt là dưới áp lực của Mỹ.

Nhưng triển vọng kinh tế của Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia và Việt Nam, vẫn chưa rõ ràng. Hai nước đã bị áp thuế quan đối ứng ở các mức cao nhất vì cáo buộc Trung Quốc sử dụng họ làm cơ sở sản xuất để lách các hạn chế thương mại. Việt Nam đã thúc giục Bắc Kinh tăng nhập khẩu, đặc biệt là nông sản và thủy sản.

Các nước ASEAN cũng sẽ cảnh giác với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào nhiều hơn khi chúng bị cản trở ở Mỹ.

Trước khi chiến tranh thương mại leo thang, nền kinh tế Trung Quốc đã khó khăn vì tăng trưởng chậm với nhu cầu tiêu dùng thấp và lĩnh vực bất động sản lao dốc. Thặng dư thương mại của Bắc Kinh với các nước ngoài Mỹ cũng bị chú ý. Một số đối tác thương mại cáo buộc các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc mang quá nhiều hàng đến thị trường của họ và gây tổn hại cho ngành sản xuất trong nước.

“Động lực đó có thể sẽ mạnh hơn với thuế quan mới nhất của Mỹ, dẫn đến nhiều áp lực hơn đối với các doanh nghiệp sản xuất Đông Nam Á, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ”, theo Ja Ian Chong, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore.

Trung Quốc đã thúc đẩy thương mại với các nước Đông Nam Á thông qua một hội chợ thường niên tại Thành phố Nam Ninh. Ảnh: CK Tan/Nikkei Asia.

Trung Quốc đã thúc đẩy thương mại với các nước Đông Nam Á thông qua một hội chợ thường niên tại Thành phố Nam Ninh. Ảnh: CK Tan/Nikkei Asia.

Nếu Trung Quốc muốn lách thuế quan Mỹ bằng cách đưa hàng xuất khẩu qua các nước thứ ba, họ có thể gặp trở ngại, tùy vào các thỏa thuận đạt được trong 90 ngày tới.

“Việc tái xuất khẩu sẽ khó khăn hơn nhiều, vì chính phủ Mỹ sử dụng “thuế quan đối ứng” để bịt lỗ hổng”, Nomura viết trong một báo cáo ngày 8/4.

Tương tự, nếu các nước Đông Nam Á cho rằng việc bán hàng sang Trung Quốc sẽ bù đắp cho xuất khẩu sang Mỹ giảm, họ có thể phải thất vọng. “Bản thân thị trường Trung Quốc không tự hấp thụ được hàng hóa của chính mình do tiêu dùng thấp”, ông Chong nói.

Dù thế nào đi nữa, các nhà phân tích đều kỳ vọng hợp tác kinh tế sẽ là trọng tâm trong chuyến công du mang tính biểu tượng của ông Tập. Nhưng họ cũng nói rằng các vấn đề lãnh thổ nhạy cảm cũng có thể nảy sinh.

Malaysia và Việt Nam có các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc. Bắc Kinh đã tuyên bố hầu hết Biển Đông thuộc về họ.

“Không thể gạt mọi vấn đề về chủ quyền sang một bên”, theo Phar Kim Beng, giáo sư Nghiên cứu ASEAN tại Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia, bổ sung rằng các bên sẽ cần kiềm chế căng thẳng lãnh thổ để tránh gây nguy hiểm cho quan hệ song phương.

Mặc dù Campuchia, Malaysia và Việt Nam là các thành viên ASEAN, nhưng chuyến đi của ông Tập cho thấy chiến lược của Bắc Kinh là nói chuyện với từng quốc gia riêng lẻ để có thêm đòn bẩy, thay vì nói chuyện với cả khối. Nhưng với 3 nước Đông Nam Á này, vẫn có những rủi ro.

“Nếu [họ] quyết định hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc, họ có thể tự đưa mình vào tầm ngắm của Washington”, ông Chong cho biết.

Lần gần đây nhất ông Tập thăm Campuchia là vào năm 2016, Malaysia năm 2013 và Việt Nam năm 2023. Chuyến đi chính thức gần đây nhất của ông là tới Brazil và Peru vào tháng 11/2024.

Theo:

https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Xi-Jinping-to-tour-Vietnam-Malaysia-Cambodia-amid-escalating-trade-war