VNReport»Kinh tế»Tài chính»Tập đoàn Nhật Bản có thể bán cổ phần ở VietinBank

Tập đoàn Nhật Bản có thể bán cổ phần ở VietinBank

11:23 - 27/10/2021

Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ có thể bán cổ phần 19,73% tại VietinBank, trong chiến dịch bán tài sản nhằm cắt giảm chi phí, ổn định tài sản rủi ro và thúc đẩy chuyển đổi ngân hàng số.

Sau khi lên kế hoạch thoái vốn mảng ngân hàng bán lẻ ở Mỹ trị giá 8 tỷ USD, tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ (MUFG) có thể thoái vốn tại Nhật Bản và Việt Nam nhằm cắt giảm chi phí, ổn định tài sản rủi ro và đẩy nhanh quá trình số hóa.

Tập đoàn ngân hàng lớn nhất Nhật Bản nhiều khả năng sẽ xem xét bán cổ phần ít nhất 39,19% của mình tại ngân hàng khu vực The Chukyo Bank của Nhật Bản và cổ phần 19,73% tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), theo 4 chuyên gia nói với S&P Global Market Intelligence. Tháng trước, ngân hàng có trụ sở tại Tokyo đồng ý bán đơn vị ngân hàng bán lẻ ở Mỹ cho nhà băng nội địa Bancorp.

MUFG là tập đoàn ngân hàng lớn nhất Nhật Bản.

MUFG là tập đoàn ngân hàng lớn nhất Nhật Bản.

Toyoki Sameshima, nhà phân tích cấp cao tại SBI Securities Co., cho biết: “Việc bán [cổ phần ở Mỹ] có thể không phải là dấu chấm hết cho chương trình thoái vốn của họ”. Ông nói thêm rằng các tài sản khác mang lại ít sức mạnh tổng hợp cho ngân hàng có thể bị bán để giải phóng tiền mặt.

Việc từ bỏ thêm các tài sản không phải cốt lõi hỗ trợ kế hoạch 3 năm của MUFG nhằm cắt giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập và tài sản có trọng số rủi ro, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi ngân hàng số ở Nhật Bản và các thị trường nước ngoài, bao gồm cả Đông Nam Á. Ngân hàng Nhật Bản đã bán tài sản trị giá ít nhất 2,745 nghìn tỷ yên (24 tỷ USD) kể từ đầu năm 2016.

Một phát ngôn viên của MUFG cho biết, việc bán tài sản ở Mỹ “sẽ không phải là sự kết thúc quá trình xem xét của chúng tôi”, và cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục đánh giá các hoạt động khác trong và ngoài nước để thoái vốn.

Trong những năm gần đây, siêu ngân hàng này đã cắt giảm cổ phần sở hữu của mình trong các ngân hàng khu vực ở quê nhà, vốn rất khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận nhiều năm qua do tình trạng giảm dân số ở nông thôn. Năm 2017, MUFG bán toàn bộ 6,85% cổ phần của mình tại The Aichi Bank Ltd. và giảm cổ phần của mình tại Ngân hàng Hyakugo từ mức 3,98%.

Ngoài ra, MUFG có thể xem xét chuyển nhượng cổ phần của mình trong các ngân hàng tại Việt Nam, theo Michael Makdad – nhà phân tích tại Morningstar. Nền kinh tế Việt Nam dự kiến ​​sẽ phục hồi với tốc độ chậm hơn nhiều so với dự báo trước đây, do ảnh hưởng của các đợt dịch Covid-19 tái diễn.

Makdad nói: “Tôi không hiểu cơ sở lý luận của chiến lược… trừ khi nó dẫn đến điều gì đó khác sau này, chẳng hạn như được phép mua nhiều cổ phần kiểm soát hơn”. Mỗi nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 20% ở các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

MUFG không phải là siêu ngân hàng Nhật Bản duy nhất có khoản đầu tư đáng kể vào các ngân hàng Việt Nam. Mizuho đã nắm giữ 15% vốn của Vietcombank từ năm 2011. Đầu năm nay, Sumitomo Mitsui chi 1,37 tỷ USD để mua 49% cổ phần của FE Credit – công ty con của VPBank trong mảng cho vay tiêu dùng.

Các nhà phân tích cho biết thêm, việc bán tài sản cũng sẽ giải phóng hơn nữa tiền mặt cho siêu ngân hàng để tiếp tục các thương vụ mua lại mới nhằm tăng tốc số hóa, lĩnh vực trọng tâm mới nhất của MUFG.

Trước đó, ngân hàng cho biết họ có kế hoạch tăng cường cung cấp dịch vụ kỹ thuật số, đánh dấu sự thay đổi từ các hoạt động chủ yếu theo cách truyền thống. Một thỏa thuận gần đây là MUFG mua gần 5% cổ phần công ty chia sẻ xe Grab của Singapore với giá 706 triệu USD vào năm 2020. Khoản đầu tư giúp ngân hàng tiếp cận với cơ sở khách hàng ngày càng tăng ở Đông Nam Á cũng như chuyên môn về trí tuệ nhân tạo của Grab, đang điều hành các dịch vụ cho vay và thanh toán công nghệ tài chính.

“Tôi nghĩ MUFG có thể đầu tư nhiều hơn vào ngân hàng số ở Đông Nam Á sau khoản đầu tư ban đầu vào Grab”, Makdad nói. “Điều đó có thể xảy ra trong 1 hoặc 2 năm tới, dựa trên các xu hướng trong ngành”.