VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Tàu lặn mất tích khi tham quan xác tàu Titanic

Tàu lặn mất tích khi tham quan xác tàu Titanic

13:57 - 20/06/2023

Một trong 5 người kẹt trên tàu lặn là nhà thám hiểm và tỷ phú người Anh Hamish Harding.

Một đội tìm kiếm cứu hộ quốc tế đang chạy đua để tìm một chiếc tàu lặn tham quan xác tàu Titanic trước khi 5 người trên tàu hết dưỡng khí.

Cuộc tìm kiếm bằng máy bay và tàu nổi đang được thực hiện ở khu vực cách bờ biển đông bắc của Mỹ khoảng 1.400 km, ở vùng nước sâu khoảng 4.000 m, để tìm ra chiếc tàu đã lặn vào ngày 18/6.

Cuộc tham quan do OceanGate Expeditions điều hành. Tàu lặn mất liên lạc với tàu nghiên cứu trên bề mặt sau 1 giờ 45 phút lặn, Chuẩn Đô đốc John Mauger của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cho biết.

Tàu lặn được thiết kế để duy trì dưỡng khí 96 giờ trong trường hợp khẩn cấp.

Tàu lặn được thiết kế để duy trì dưỡng khí 96 giờ trong trường hợp khẩn cấp.

Con tàu được thiết kế để duy trì dưỡng khí 96 giờ trong trường hợp khẩn cấp và lực lượng cứu hộ đang “tận dụng tốt nhất thời gian để xác định vị trí con tàu”, ông Mauger nói trong một cuộc họp báo. “Việc tiến hành tìm kiếm ở khu vực xa xôi đó là một thách thức”, ông nói.

Sự biến mất của tàu lặn là sự kiện mới nhất thu hút công chúng chú ý đến tàu Titanic. Năm 1912, con tàu biển sang trọng do công ty hàng hải White Star Line điều hành rời Southampton, Anh cho chuyến đi đầu tiên qua Đại Tây Dương đến New York. Tàu chìm vào đêm 14-15/4 ở Bắc Đại Tây Dương sau khi va chạm với một tảng băng trôi. Trong số hơn 2.200 hành khách và thủy thủ trên tàu, chỉ có khoảng 700 người sống sót.

Sau nhiều năm tìm kiếm ráo riết, xác tàu Titanic được phát hiện vào năm 1985 bởi các nhà nghiên cứu từ Viện Hải dương học Woods Hole, Mỹ.

Nhiều nhà khoa học và khách du lịch đã đến tham quan xác tàu Titanic sau đó, bao gồm cả James Cameron – đạo diễn phim “Titanic” phát hành năm 1997, một trong những bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

OceanGate là một trong những công ty du lịch đưa hành khách đến địa điểm xác tàu. Được thành lập vào năm 2009 để cho phép các nhà nghiên cứu và nhà thám hiểm tiếp cận các nguồn tài nguyên đại dương, công ty bắt đầu phục vụ các chuyến tham quan xác tàu Titanic vào năm 2021. Chuyến thám hiểm năm nay dự kiến kéo dài 10 ngày, trong đó có 8 ngày ở biển, OceanGate cho biết.

Bản thân quá trình lặn mất khoảng 8 giờ. Công ty cho biết mục đích của chuyến thám hiểm năm nay là chụp ảnh và quay video độ nét cao, thu thập dữ liệu từ các chuyến thám hiểm trước đó để theo dõi sự phân rã và ghi lại hệ thực động vật sinh sống tại khu vực xác tàu.

OceanGate cung cấp dịch vụ cho khách du lịch để giúp tài trợ nhiệm vụ khoa học. Chuyến tham quan Titanic năm nay được báo giá 250.000 USD. Công ty cho biết họ đang cân nhắc tất cả các lựa chọn và đã nhận được sự hỗ trợ rộng rãi từ một số cơ quan chính phủ và doanh nghiệp.

Hamish Harding là nhà sáng lập một công ty dịch vụ hàng không và giữ một số kỷ lục Guinness về thám hiểm.

Hamish Harding là nhà sáng lập một công ty dịch vụ hàng không và giữ một số kỷ lục Guinness về thám hiểm.

Cả OceanGate và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đều không cung cấp thông tin về những người đang kẹt trên tàu lặn.

Nhưng theo công ty Action Aviation, phi công, nhà thám hiểm và tỷ phú người Anh Hamish Harding, 58 tuổi, đang ở trên tàu lặn. Ông Harding sáng lập Action Aviation vào năm 2004, chuyên về các dịch vụ bao gồm môi giới, quản lý và tài chính máy bay.

Những chuyến thám hiểm trước đây của ông Harding đã đưa ông vào vũ trụ và đến phần sâu nhất của đại dương, cũng như vòng quanh thế giới nhanh nhất lịch sử.

Tháng 6 năm ngoái, ông Harding tham gia chuyến bay vào vũ trụ của Blue Origin.

Năm 2021, ông Harding đi trong một chiếc tàu lặn dành cho hai người đến điểm thấp nhất của toàn bộ các đại dương trên thế giới, được gọi là Rãnh Mariana ở Thái Bình Dương, nơi có độ sâu 10.900 m. Thử thách này mang về cho ông 2 Kỷ lục Guinness Thế giới, về thời gian dài nhất ở điểm sâu nhất đại dương và quãng đường dài nhất đi qua khi ở đó.

Năm 2019, ông Harding là thành viên của nhóm đạt Kỷ lục Guinness Thế giới về hành trình đi vòng quanh Trái đất nhanh nhất qua Bắc và Nam Cực. Họ thực hiện hành trình trên chiếc máy bay phản lực Gulfstream G650ER trong 46 giờ 40 phút 22 giây.