VNReport»Công nghệ»Thế giới số»Temu hoàn trả tiền cho khách hàng Việt Nam sau khi dừng hoạt động

Temu hoàn trả tiền cho khách hàng Việt Nam sau khi dừng hoạt động

15:27 - 12/02/2025

Cuối năm 2024, sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu thông báo dừng hoạt động, đồng thời phải hoàn trả tiền cho những khách hàng đã đặt mua sản phẩm trên nền tảng này mà chưa nhận được hàng. Đến nay, Temu đã hoàn trả toàn bộ số tiền cho khách hàng theo yêu cầu của Bộ Công Thương.

Temu bắt đầu phủ sóng ở Việt Nam từ đầu tháng 10, gắn với các từ khoá đầy hấp dẫn như “hàng giá rẻ”, “giảm giá”, “hoa hồng cao”,… Thế nhưng đến 4/12, người tiêu dùng Việt Nam bất ngờ nhận thấy toàn bộ nền tảng Temu – từ website đến ứng dụng di động – đã loại bỏ hoàn toàn giao diện tiếng Việt. Hệ thống chỉ còn hỗ trợ ba ngôn ngữ: tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Pháp.

Sau đó, trên ứng dụng Temu, sàn thương mại điện tử này thông báo bằng tiếng Anh về việc Temu đang tiến hành các thủ tục đăng ký với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương để hoạt động tại Việt Nam, mà không nêu thời điểm hoàn tất.

Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin gì về việc Temu sẽ tiếp tục hoạt động tại Việt Nam. Theo Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương Hoàng Ninh, Temu vẫn đang trong quá trình chờ cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Dù đơn vị quản lý của nền tảng này đã nộp hồ sơ cho các cơ quan chức năng, nhưng cần chờ đợi thẩm định trước khi được phê duyệt.

Về những đơn hàng mà người tiêu dùng Việt Nam đã đặt trước khi Temu tạm dừng, ông Ninh cho biết những đơn hàng này sẽ không thể hoàn tất vì không thể vận chuyển vào Việt Nam. Việc này sẽ chỉ diễn ra khi Temu được Bộ Công Thương cấp phép. Được biết, ngay khi yêu cầu Temu dừng hoạt động, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu Hải quan không thông quan bất kỳ hàng hóa nào liên quan đến nền tảng này cũng như các website hoặc ứng dụng chưa đăng ký hoạt động.

Temu là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc)

Khi chia sẻ với báo điện tử VTC News, ông Hoàng Ninh cũng khẳng định, Bộ Công Thương đã yêu cầu Temu xin lỗi và hoàn trả toàn bộ số tiền cho khách hàng có các đơn hàng bị ngưng giao về Việt Nam. Theo ông Ninh, nếu đến nay vẫn còn khách hàng chưa nhận được tiền hoàn trả, có thể do sai sót trong quá trình đặt và giao hàng trên sàn Temu.

Hiệp hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cũng khuyến cáo người dân cần lưu giữ cẩn thận tất cả hóa đơn, chứng từ liên quan đến giao dịch. Ghi chép đầy đủ thông tin về các đơn hàng đã đặt. Sẵn sàng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng nếu cần.

Bên cạnh đó, ông Ninh cũng giải thích: “Nếu khách hàng đã đặt hàng nhưng Temu không thể giao, sàn sẽ hoàn lại hai khoản tiền. Khoản tiền thứ nhất sẽ hoàn trả 100% qua tài khoản ngân hàng. Khoản tiền thứ hai, được coi là bồi thường vì đơn hàng không giao đúng hẹn, sẽ được trả vào tài khoản Temu của khách hàng với tỷ lệ phần trăm quy định, tương ứng với giá trị đơn hàng”.

Tuy nhiên, khoản tiền hoàn vào tài khoản Temu không thể rút ra mà chỉ có thể sử dụng như mã giảm giá cho các lần mua hàng sau này khi sàn hoạt động trở lại, theo ông Ninh.

Mặc dù hiện tại, chưa rõ khi nào Temu sẽ hoạt động trở lại tại Việt Nam. Theo yêu cầu của Bộ Công Thương và quy định pháp luật, chỉ khi Temu hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép đầy đủ và hợp lệ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số mới xem xét cấp phép cho nền tảng này.

Temu là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới được thành lập bởi nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới PDD Holdings (Trung Quốc). Temu “được lòng” nhiều người tiêu dùng khi có nhiều sản phẩm đa dạng, giá rất rẻ, nhờ vào mô hình kinh doanh kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng, loại bỏ các chi phí trung gian. Nền tảng này ra mắt ở Mỹ vào năm 2022 và nhanh chóng mở rộng hoạt động ra ngoài Trung Quốc, bao gồm cả những thị trường lớn và khó tính như Mỹ, Canada, Úc, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…

https://vtcnews.vn/temu-hoan-tra-tien-cho-khach-hang-viet-nam-sau-khi-dung-hoat-dong-ar924632.html