VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Thâm hụt thương mại của Mỹ lập kỷ lục năm 2022

Thâm hụt thương mại của Mỹ lập kỷ lục năm 2022

14:22 - 08/02/2023

Trong năm 2022, thâm hụt thương mại của nước Mỹ cao nhất trong lịch sử khi nhu cầu toàn cầu yếu đi trong bối cảnh lạm phát cao, lãi suất leo thang, các yếu tố gián đoạn bắt nguồn từ căng thẳng Nga – Ukraine cũng như tác động từ đại dịch Covid-19.

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 7/2 cho thấy thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 12/2022 tăng cao do nhập khẩu tăng trở lại và xuất khẩu hàng hóa giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 tháng. Theo đó, thâm hụt thương mại của Mỹ trong cả năm 2022 đã tăng lên mức cao kỷ lục.

Cụ thể, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 12/2022 tăng 10,5% lên 67,4 tỷ USD. Trước đó, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 11/2022 giảm 21,1% xuống còn 61,0 tỷ USD. Khi tính đến lạm phát, thâm hụt thương mại thực tế của Mỹ trong tháng 12/2022 là 98,6 tỷ USD, tăng từ 96,1 tỷ USD trong tháng 11/2022.

Tính theo năm, thâm hụt thương mại năm 2022 của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục 948,1 tỷ USD (tương đương 3,7% GDP), cao hơn mức 845,0 tỷ USD (3,6% GDP) năm 2021. Trong đó, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Canada tăng 31,6 tỷ USD lên 81,6 tỷ USD năm 2022, trong khi thâm hụt thương mại hàng hóa với Trung Quốc tăng 29,4 tỷ USD lên 382,9 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại của Mũ tăng cao kỷ lục

Theo Bộ Thương mại Mỹ, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm 2022 tăng 453,1 tỷ USD lên 3.000 tỷ USD, nhưng kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 556,1 tỷ USD lên 4.000 tỷ USD.

Đáng chú ý, sự sụt giảm cả nhập khẩu và xuất khẩu vật tư và nguyên liệu công nghiệp cho thấy sự yếu kém trong hoạt động sản xuất ở Mỹ. Cụ thể, nhập khẩu vật tư và nguyên liệu công nghiệp của Mỹ trong tháng 12/2022 giảm 2,7 tỷ USD xuống còn 59,6 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu vật tư và nguyên liệu công nghiệp cũng giảm 3,1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu dầu thô giảm 0,8 tỷ USD.

Bên cạnh đó, chính sách tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhằm kiềm chế lạm phát và sự chuyển hướng chi tiêu từ hàng hóa sang dịch vụ của người tiêu dùng cũng khiến sản xuất bị cắt giảm.

Ngoài ra, đồng USD tăng giá so với đồng tiền của các đối tác thương mại chính của Mỹ đã khiến hàng hóa do nước này sản xuất trở nên đắt đỏ trên thị trường quốc tế. Chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn của các ngân hàng trung ương toàn cầu cũng làm xói mòn nhu cầu ở nước ngoài đối với hàng hóa Mỹ.

Ngày 6/2, phát biểu trên kênh truyền hình ABC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định, sẽ không có suy thoái kinh tế trong bối cảnh tình trạng lạm phát giảm đáng kể và nền kinh tế Mỹ vẫn vững chắc nhờ thị trường lao động.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, tuy lạm phát vẫn ở mức cao, nhưng đã giảm liên tục trong 6 tháng qua và có thể giảm đáng kể do các biện pháp được chính quyền Tổng thống Joe Biden áp dụng, bao gồm giảm chi phí xăng dầu và giá thuốc bán theo đơn.

Bộ trưởng nước Mỹ khẳng định giảm lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Joe Biden, nhưng nền kinh tế Mỹ đang tỏ ra “mạnh mẽ và vững chãi”.

Ngoài ra, với 3 bộ luật riêng biệt – bao gồm Đạo luật Giảm lạm phát, Đạo luật CHIPS và Khoa học cùng với Luật Cơ sở hạ tầng – sẽ giúp giảm lạm phát, đồng thời với việc áp đặt giới hạn “giá trần” đối với dầu mỏ của Nga.

Tuy vậy, bất chấp những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế mới được ghi nhận vào tuần trước khi tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm và lạm phát giảm tháng thứ sáu liên tiếp, một số chuyên gia đã cảnh báo những thách thức kinh tế mà nước Mỹ sẽ phải đối mặt trong năm nay Trong đó, trần nợ công của chính phủ, tỷ lệ lạm phát và chính sách tăng lãi suất của Fed là 3 trong số những thách thức kinh tế mà nước Mỹ sẽ phải đối mặt trong năm nay.