VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Tham vọng của Hòa Phát trong lĩnh vực điện lạnh

Tham vọng của Hòa Phát trong lĩnh vực điện lạnh

16:04 - 07/06/2023

Sau hai thập kỷ bán điều hòa, thị phần của Hòa Phát vẫn khiêm tốn so với các đối thủ.

Tháng 9/2021, Tập đoàn Hòa Phát thành lập Công ty cổ phần Điện máy gia dùng Hòa Phát với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Việc thành lập công ty nhằm mục đích mở rộng và phát triển lĩnh vực điện máy của tập đoàn, dựa trên nền tảng 20 năm sản xuất các thiết bị điện lạnh.

Tiền thân của công ty này là Công ty Điện lạnh Hòa Phát, thành lập từ năm 2001, chuyên sản xuất các sản phẩm điều hòa, tủ lạnh, tủ đông mang thương hiệu Hòa Phát và Funiki.

Năm 2021, trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long cho biết tập đoàn này muốn trở thành nhà sản xuất thiết bị điện máy gia dụng lớn nhất Việt Nam với doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2030. Tập đoàn muốn tận dụng cơ hội khi các doanh nghiệp đa quốc gia chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Ông Trần Đình Long đặt mục tiêu doanh thu điện máy 1 tỷ USD vào năm 2030.

Ông Trần Đình Long đặt mục tiêu doanh thu điện máy 1 tỷ USD vào năm 2030.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, quý IV/2022, Công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát đã khởi công xây dựng trung tâm sản xuất hàng gia dụng đầu tiên tại Khu công nghiệp Hòa Mạc, tỉnh Hà Nam. Trung tâm này có diện tích gần 15 ha, chuyên sản xuất các sản phẩm gia dụng bao gồm: máy làm mát không khí, máy lọc nước và máy lọc không khí. Công suất dự kiến khoảng 1 triệu sản phẩm/năm.

Mục tiêu đầy tham vọng của ông Long là một phần trong nỗ lực biến Hòa Phát trở thành một tập đoàn đa ngành. Hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thép, nhưng Hòa Phát đang cố gắng mở rộng sang các lĩnh vực khác gồm điện máy, nông nghiệp và bất động sản.

Thị trường điện máy Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn. Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, quy mô thị trường điện máy gia dụng trong nước khoảng 13 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hơn 10%/năm. Trong đó, thị trường điều hòa không khí có tiềm năng đặc biệt lớn. Theo báo cáo của Euromonitor, năm 2021, thị trường điều hòa Việt Nam tăng trưởng 85%. Dư địa tăng trưởng vẫn còn rất nhiều khi ước tính mới chỉ có 1/4 số hộ gia đình Việt sở hữu điều hòa.

Nhưng sự cạnh tranh trên thị trường rất khốc liệt, với các nhà sản xuất từ khắp nơi trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc …

Sự cạnh tranh không chỉ về giá mà còn về công nghệ, mẫu mã và dịch vụ hậu mãi. Một chiếc điều hòa từ tính năng ban đầu là làm mát không khí, dần dần sẽ bổ sung thêm các tính năng như lọc khí, diệt khuẩn, bù ẩm … Các hãng cần liên tục nâng cấp sản phẩm của mình nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Về mặt giá cả, những nhà sản xuất lâu năm với doanh số bán hàng lớn có lợi thế về chi phí so với những hãng mới tham gia thị trường.

Với các hiệp định thương mại tự do mà nước ta ký kết gần đây như EVFTA, CPTPP hay RCEP, các thương hiệu nước ngoài dễ dàng thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Trên thị trường cũng có các doanh nghiệp nội địa nhưng mức độ cạnh tranh chưa bằng các doanh nghiệp ngoại.

Ví dụ, Công ty cổ phần Tập đoàn Nagakawa đạt doanh thu gần 2.000 tỷ đồng trong năm 2022. Trong đó, hơn 60% đến từ điều hòa không khí. Đây là mức doanh thu năm cao nhất từ trước đến nay của công ty, nhưng mới chỉ bằng một phần nhỏ so với doanh thu khoảng 14 nghìn tỷ đồng mỗi năm của Panasonic – thương hiệu điều hòa có thị phần cao nhất Việt Nam.

Tỷ suất lợi nhuận ròng của Nagakawa chỉ đạt khoảng 1%, cho thấy áp lực cạnh tranh khốc liệt của thị trường, đặc biệt ở phân khúc giá rẻ hơn.

Trước sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà đối thủ, Hòa Phát không cho thấy thành tích vượt trội mặc dù đã có 2 thập kỷ kinh doanh điều hòa. Những năm gần đây, doanh thu mảng điện lạnh của Hòa Phát đạt khoảng hơn 1 nghìn tỷ đồng.

Thương hiệu điều hòa Funiki của Hòa Phát có kết quả kinh doanh kém xa so với thương hiệu Casper từ Thái Lan, mặc dù cùng nằm trong phân khúc giá rẻ hơn. Mới gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2016, nhưng Casper đã trở thành một trong 3 thương hiệu điều hòa có thị phần lớn nhất, chỉ xếp sau Panasonic và Daikin.

Mặc dù kết quả kinh doanh của Hòa Phát ở thị trường trong nước chưa nổi bật, nhưng ông Long thậm chí đặt mục tiêu dành 50% sản lượng cho xuất khẩu.

Vào thời điểm đưa ra những mục tiêu táo bạo trên, mảng thép của Hòa Phát đang thăng hoa, với việc công ty đạt doanh thu và lợi nhuận kỷ lục trong năm 2021. Ông Long khi đó khẳng định Hòa Phát có “nguồn vốn dồi dào” để đầu tư sản xuất điện máy.

Nhưng từ năm 2022, mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn bắt đầu đi xuống, khiến Hòa Phát lỗ sâu trong nửa cuối năm ngoái, và có lãi khiêm tốn trong quý I năm nay. Điều này có thể ảnh hưởng đến những kế hoạch của tập đoàn trong ngành điện máy, điện lạnh và các lĩnh vực khác.