VNReport»Kinh tế»“Việt Nam có thể giàu được nhờ thương mại và FDI?”

“Việt Nam có thể giàu được nhờ thương mại và FDI?”

09:43 - 01/09/2021

Tạp chí The Economist cho rằng Việt Nam thoát nghèo nhờ mở cửa với thương mại và đầu tư. Nhưng việc phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài có thể không giúp Việt Nam trở thành quốc gia giàu có.

Nền kinh tế mở

Từng gây ấn tượng với thế giới bằng cách kiềm chế virus corona vào năm ngoái, Việt Nam hiện đang ở giữa đợt bùng phát dịch Covid-19 tồi tệ nhất từ trước đến nay. Các khu vực của đất nước đang trong tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt và một loạt các nhà máy, từ nhà máy sản xuất giày cho Nike đến nhà máy sản xuất điện thoại thông minh cho Samsung, đều hoạt động chậm lại hoặc đóng cửa, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, việc hội nhập với chuỗi sản xuất toàn cầu đã giúp duy trì hoạt động cho nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đại dịch. Năm 2020, GDP tăng 2,9% ngay cả khi hầu hết các quốc gia đều ghi nhận suy thoái sâu. Bất chấp đợt bùng phát mới nhất, dự báo của Ngân hàng Thế giới, được công bố vào ngày 24/8, kỳ vọng mức tăng 4,8% trong năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam so với các nước Đông Nam Á (1990=100). Nguồn: Ngân hàng Thế giới, The Economist.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam so với các nước Đông Nam Á (1990=100). Nguồn: Ngân hàng Thế giới, The Economist.

Sự cởi mở đối với thương mại và đầu tư đã khiến Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng. Và điều đó đã tạo ra sự tăng trưởng đáng kể và kéo dài. Việt Nam là một trong 5 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong 30 năm qua, nhanh hơn các nước láng giềng của mình. Chính phủ còn có tham vọng hơn, mong muốn Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, một nhiệm vụ đòi hỏi phải tăng trưởng ở mức 7%/năm. Bí quyết thành công của Việt Nam là gì – và nó có thể duy trì được không?

Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam thường được so sánh với Trung Quốc vào những năm 1990 hoặc đầu những năm 2000. Cả hai có hệ thống chính trị tương đồng và tập trung vào tăng trưởng dựa trên xuất khẩu. Nhưng cũng có những khác biệt lớn. Trước tiên, việc mô tả nền kinh tế Việt Nam là tập trung nhiều vào xuất khẩu cũng không thể hiện hết được giá trị Việt Nam bán hàng ra nước ngoài, với kim ngạch vượt quá 200% GDP. Rất ít nền kinh tế trên thế giới, ngoại trừ các quốc gia giàu tài nguyên nhất hoặc các thành quốc chuyên về thương mại hàng hải, đang hoặc đã từng có mức thâm dụng thương mại cao như vậy.

Ưu thế của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài

Không chỉ mức độ xuất khẩu mà bản chất của các nhà xuất khẩu cũng khiến Việt Nam khác với Trung Quốc. Mối liên hệ sâu rộng với chuỗi cung ứng toàn cầu và mức đầu tư nước ngoài cao khiến Việt Nam có vẻ giống Singapore hơn. Kể từ năm 1990, Việt Nam đã nhận được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trung bình trị giá 6% GDP mỗi năm, gấp hơn 2 lần mức toàn cầu, cao hơn nhiều so với mức ghi nhận trong thời gian dài của Trung Quốc hay Hàn Quốc.

Kim ngạch xuất khẩu. Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: Tổng cục Thống kê, The Economist.

Kim ngạch xuất khẩu. Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: Tổng cục Thống kê, The Economist.

Khi Đông Á phát triển và mức lương ở khu vực này tăng, các nhà sản xuất toàn cầu bị thu hút bởi chi phí lao động thấp và tỷ giá hối đoái ổn định của Việt Nam. Điều đó thúc đẩy sự bùng nổ xuất khẩu. Trong thập kỷ qua, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đã tăng 137%, trong khi xuất khẩu của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng 422%.

Nhưng khoảng cách ngày càng gia tăng giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước hiện nay đang đặt ra mối đe dọa cho sự tăng trưởng của Việt Nam. Đất nước đã trở nên phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và xuất khẩu của các công ty nước ngoài, trong khi các công ty trong nước hoạt động kém hiệu quả.

Các công ty nước ngoài có thể tiếp tục phát triển, cung cấp nhiều việc làm và hàng hóa hơn. Nhưng có những giới hạn đối với mức độ mà họ có thể thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam. Đất nước sẽ cần một khu vực dịch vụ có năng suất và hiệu quả. Khi mức sống tăng lên, Việt Nam có thể trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà sản xuất nước ngoài và người lao động sẽ cần những cơ hội khác.

Một phần của lực cản đối với các doanh nghiệp trong nước đến từ các doanh nghiệp nhà nước. Tầm quan trọng của khối này đối với kinh tế và việc làm của đất nước đã bị thu hẹp. Nhưng các doanh nghiệp này vẫn có tác động lớn đến nền kinh tế nhờ vị trí ưu đãi trong hệ thống ngân hàng, cho phép vay vốn với giá rẻ. Các ngân hàng bù đắp cho các khoản cho vay không hiệu quả đó bằng cách tính lãi suất cao hơn với các công ty trong nước khác.

Số nhân viên của các khối doanh nghiệp. Đơn vị: triệu người. Nguồn: Tổng cục thống kê, The Economist.

Số người lao động của các khối doanh nghiệp. Đơn vị: triệu người. Nguồn: Tổng cục thống kê, The Economist.

Trong khi các công ty ngoại có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ở nước ngoài, thì lãi suất cho vay ngân hàng trung và dài hạn bằng đồng Việt Nam bình quân đã lên tới 10,25% trong năm ngoái. Nghiên cứu gần đây của các học giả tại Trường Kinh tế London cũng cho thấy rằng mức tăng năng suất trong 5 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007 sẽ cao hơn 40% nếu không có các doanh nghiệp nhà nước.

Các động lực tăng trưởng khác

Để thúc đẩy khu vực tư nhân, chính phủ muốn nuôi dưỡng các tập đoàn tương đương với chaebol của Hàn Quốc hoặc keiretsu của Nhật Bản, các tập đoàn đa ngành khổng lồ.

Vingroup, một tập đoàn đa ngành lớn, là ứng cử viên rõ ràng nhất. Nhờ VinPearl, VinSchool và VinMec, tập đoàn có các hoạt động trải dài trên các lĩnh vực du lịch, giáo dục và y tế. Vinhomes, kinh doanh bất động sản, là công ty tư nhân niêm yết lớn nhất Việt Nam tính theo vốn hóa thị trường.

Nỗ lực của tập đoàn nhằm xâm nhập vào lĩnh vực sản xuất ô tô thành phẩm thông qua VinFast có thể đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia thường được biết đến với ngành sản xuất trung gian. Vào tháng 7, chiếc xe Fadil của công ty đã trở thành mẫu xe bán chạy nhất của Việt Nam. VinFast cũng có tham vọng lớn ở nước ngoài. Vào tháng 7, công ty thông báo rằng họ đã mở văn phòng ở Mỹ và Châu Âu và dự định bán xe điện ở đó vào tháng 3/2022.

Tuy nhiên, việc nuôi dưỡng các tập đoàn đa ngành trong khi vẫn cởi mở với đầu tư nước ngoài không phải là điều dễ dàng. VinFast được hưởng lợi từ việc giảm thuế, bao gồm một khoản cắt giảm lớn thuế doanh nghiệp trong 15 năm hoạt động đầu tiên.

Tuy nhiên, việc Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như một loạt các thỏa thuận thương mại và đầu tư khác, có nghĩa là Việt Nam không thể dành ưu đãi cho các nhà sản xuất trong nước. Các khoản hỗ trợ cũng phải được mở rộng cho các công ty nước ngoài sản xuất ô tô tại Việt Nam. Ngược lại, chính sách thương mại của Trung Quốc, vốn ưa thích các thỏa thuận rộng nhưng không sâu, không hạn chế chính sách trong nước theo cách tương tự.

Việt Nam cũng có thể hy vọng dựa vào một nguồn tăng trưởng khác. Sự bùng nổ kinh tế đã khuyến khích cộng đồng Việt kiều đầu tư, hoặc thậm chí trở về quê hương. Andy Ho của VinaCapital, một công ty đầu tư với tài sản 3,7 tỷ USD, cho biết: “Không có nhiều nền kinh tế đang trải qua điều tương tự như Việt Nam”. Gia đình ông chuyển đến Mỹ vào năm 1977, nơi ông được đào tạo và làm việc trong lĩnh vực tư vấn và tài chính. Ông trở về Việt Nam cùng gia đình vào năm 2004. “Nếu tôi là người Hàn Quốc, tôi có thể đã quay trở lại những năm 1980, nếu tôi là người Trung Quốc, tôi có thể đã quay trở lại năm 2000”.

Thành công của cộng đồng Việt kiều đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới, với 17 tỷ USD vào năm ngoái, tương đương 6% GDP.

Gạt bước lùi từ Covid-19 sang một bên, khó có thể không lạc quan về quốc gia có vẻ như đang trong giai đoạn đầu của một phép màu kinh tế như các nước Đông Á. Nhưng không có nước nào trở nên giàu có chỉ nhờ kiều hối. Khi Việt Nam phát triển, việc duy trì tăng trưởng nhanh chóng từ xuất khẩu của các công ty nước ngoài sẽ ngày càng trở nên khó khăn. Căng thẳng giữa việc mở cửa cho đầu tư nước ngoài và thúc đẩy các tập đoàn trong nước sẽ trở nên gay gắt hơn. Tất cả những điều đó khiến cho việc cải cách khu vực tư nhân trong nước và hệ thống tài chính là điều tối quan trọng. Nếu không có điều này, mục tiêu trở nên giàu có nhanh chóng của chính phủ có thể vượt quá tầm với.