VNReport»Kinh tế»Tài chính»Thêm quy định để ngăn sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng

Thêm quy định để ngăn sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng

14:53 - 04/11/2022

Ngân hàng Nhà nước dự kiến bổ sung những quy định mới, bao gồm ngăn sở hữu chéo, vào Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến ​​sẽ bổ sung nhiều quy định mới, bao gồm quy định liên quan đến sở hữu chéo, vào Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi sắp tới nhằm nâng cao tính an toàn của hệ thống ngân hàng.

Theo một báo cáo của NHNN về rà soát, nghiên cứu Luật các tổ chức tín dụng mới công bố gần đây, cơ quan này cho biết việc thực thi luật còn nhiều bất cập cần xem xét, sửa đổi để đảm bảo cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu và chấm dứt sở hữu chéo trong ngân hàng.

Luật sửa đổi cũng được kỳ vọng sẽ hoàn thiện các quy định pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng để phù hợp với các nguyên tắc thị trường.

Theo NHNN, các hình phạt liên quan đến cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém cũng sẽ được tăng cường theo luật sửa đổi sắp tới.

Các quy định mới được kỳ vọng nâng cao tính an toàn của hệ thống ngân hàng.

Các quy định mới được kỳ vọng nâng cao tính an toàn của hệ thống ngân hàng.

NHNN kỳ vọng việc sửa đổi luật sẽ ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo và việc các cổ đông lớn lợi dụng để thao túng hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, NHNN sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ tối da của một cổ đông và người có liên quan để hạn chế việc chi phối, mua lại nhằm đảm bảo tính công khai của tổ chức tín dụng. Đồng thời, NHNN cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, quản lý và điều hành quỹ tín dụng nhân dân.

Về nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng, NHNN sẽ giảm tỷ lệ hạn mức tín dụng bên cạnh việc nghiên cứu, rà soát những tỷ lệ bảo đảm an toàn khác trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cổ phần.

Về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, NHNN dự kiến ​​sửa đổi một số quy định cho phù hợp với thực tiễn thực hiện quy định kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng yếu kém.

NHNN sẽ bổ sung một số quy định mới, bao gồm việc miễn trách nhiệm đối với thanh tra, giám sát Nhà nước trước rủi ro pháp lý trong quá trình xử lý tổ chức tín dụng yếu kém do đây là vấn đề khó và phức tạp, có thể gây rủi ro pháp lý cho NHNN nói chung cũng như cho các thanh tra, giám sát Nhà nước.

Trước đó, các chuyên gia nêu quan ngại về sự tham gia của công ty bất động sản vào ngân hàng thương mại, cảnh báo có thể gây rủi ro cho hệ thống tài chính và toàn nền kinh tế. Dù hiện nay, các đại gia bất động sản khó thao túng ngân hàng hơn nhưng vẫn có những kẽ hở nhất định mà họ có thể lợi dụng. Thông qua mạng lưới phức tạp các công ty con và công ty liên kết, họ có thể chuyển tín dụng đến doanh nghiệp của mình, bỏ qua những quy định về giới hạn tín dụng và cho vay đối với lĩnh vực bất động sản.

Theo các chuyên gia, sự tham gia của công ty bất động sản vào ngân hàng có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động cho vay của những ngân hàng này. Lãnh đạo các công ty bất động sản – đồng thời là chủ sở hữu cuối cùng của một số ngân hàng – có thể hướng dòng vốn tín dụng đến những dự án bất động sản của mình.

Đinh Trọng Thịnh – giảng viên Học viện Tài chính – nói rằng sở hữu chéo giữa các công ty bất động sản và ngân hàng có thể khiến ngân hàng ưu tiên cho những công ty này vay vốn trong một số trường hợp. Điều đó gây ra nhiều hậu quả đối với hoạt động cho vay của ngân hàng, bao gồm sự bất bình đẳng trong tiếp cận vốn giữa các doanh nghiệp.