VNReport»Kinh tế»Thị trường M&A nhiều dấu hiệu khởi sắc

Thị trường M&A nhiều dấu hiệu khởi sắc

17:40 - 03/11/2022

Thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo sẽ sớm sôi động trở lại nhờ vào sự ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng tăng trưởng kinh tế được dự báo tích cực.

Trong những năm gần đây, hoạt động M&A đã phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô thương vụ, trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần làm đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt quá trình hình thành và đổi mới mô hình sáng tạo, đầu tư kinh tế số… Hoạt động M&A cũng đã góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính, thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn sôi động. Theo ông Lê Trọng Minh – Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn mua bán – sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam lần thứ 14 (M&A Vietnam Forum 2022), nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch và thể hiện sức chống chịu khá vững vàng trước các tác động bên ngoài. Nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của cộng đồng doanh nghiệp trong nước đòi hỏi sự bổ sung mạnh mẽ không chỉ ở phương diện nguồn vốn mà còn là các bí quyết công nghệ mới và kỹ năng quản trị hiện đại. Bên cạnh đó, sự nổi lên của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước với tư cách là bên mua cũng đang dần trở thành một đối trọng với những “thợ săn M&A” từ bên ngoài biên giới. Tất cả kích hoạt một thị trường M&A sôi động.

Thị trường M&A Việt Nam có nhiều dấu hiệu khởi sắc

Còn ông Nguyễn Công Ái – Phó Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam nhận định Việt Nam vẫn đang được đánh giá là điểm sáng kinh tế toàn cầu, với mức tăng trưởng GDP được dự báo đạt từ 7,5-8% trong năm 2022, năm 2023 có thể đạt mức 6,5%. Đây là dự báo tương đối lạc quan và tạo cơ hội cho thị trường M&A trong nước trong năm 2022 và năm 2023.

Đối với nhà đầu tư tham gia các thương vụ M&A, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết trong 10 tháng đầu năm 2022, các nhà đầu tư trong nước chiếm lĩnh nhiều nhất trên thị trường, vượt qua các nhà đầu tư Singapore và các nước khác.

Một tín hiệu lạc quan nữa được ông Phan Đức Hiếu – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhắc đến đó là Nghị quyết 31/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế. Theo đó, Nghị quyết đưa ra nhiều nhóm giải pháp phát triển các thị trường như: thị trường tài chính, thị trường vốn, thị trường trái phiếu, chứng khoán… nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả, năng suất hoạt động kinh tế nói chung của từng doanh nghiệp và nền kinh tế.
“Nếu những nội dung trong Nghị quyết được thực thi đúng, tốt và đầy đủ thì Việt Nam sẽ có một nền kinh tế chất lượng và sẽ tạo ra những tác động tích cực cho thị trường vốn, mở ra những cơ hội cho doanh nghiệp và thị trường M&A phát triển.” – ông Phan Đức Hiếu khẳng định.

Dưới góc nhìn quỹ đầu tư, ông Trần Ngọc Đức – Chủ tịch D. lion Group cho rằng, xu thế M&A đang mở rộng hơn, không chỉ ở trong lĩnh vực truyền thống mà lan sang nhiều lĩnh vực ngành nghề khác mới, trong có công nghệ thông tin hay game blockchain. Một lượng vốn lên đến hàng chục triệu USD từ các quỹ ngoại đang chờ đợi đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực blockchain tại Việt Nam. Động lực của xu hướng này chính là mục tiêu hợp nhất các hoạt động. Những công ty lớn sẽ mua lại những công ty cung cấp dịch vụ bổ sung có quy mô nhỏ hơn, giúp họ hoàn thiện một hệ thống dịch vụ thống nhất.

Còn theo ông Nguyễn Công Ái, lĩnh vực dịch vụ tài chính – ngân hàng đang tạo sức hấp dẫn với các thương vụ M&A khi có nhiều thương vụ đàm phán trong năm nay và dự kiến sẽ đi đến chốt vào năm 2023. Ngoài ra, các lĩnh vực liên quan đến bán lẻ cũng trở nên hấp dẫn các thương vụ M&A trong năm 2023.