VNReport»Kinh tế»Bất động sản»Thị trường nhà phố cho thuê ảm đạm

Thị trường nhà phố cho thuê ảm đạm

16:25 - 28/05/2021

Các đợt dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh đến thị trường mặt bằng cho thuê.

Phân khúc bất động sản cho thuê đã gặp rất nhiều khó khăn kể từ khi đại dịch bùng phát và dự báo sẽ tiếp tục đi xuống, theo ý kiến của các chuyên gia.

Mới đây, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, TP.HCM đã tạm dừng phục vụ tại chỗ đối với các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; tăng cường hình thức mua mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến. Thông tin này đồng nghĩa với việc hoạt động kinh doanh sẽ khó khăn vì dịch bệnh, đồng nghĩa với việc mặt bằng cho thuê cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Nhiều ý kiến ​​lo ngại, sau đợt dịch này, nhiều mặt bằng cho thuê có thể bị bỏ trống, khiến việc cho thuê vốn đã khó lại càng khó hơn. Giảm giá sâu cũng có thể là một phương án nhiều chủ nhà cân nhắc trong bối cảnh này.

Ông Mai Đức Toàn, chuyên gia bất động sản của Tập đoàn CNT Group, cho rằng, trong đợt dịch này, ngoài bất động sản nghỉ dưỡng, phân khúc cho thuê cũng sẽ gặp thách thức khi nhu cầu mặt bằng giảm mạnh do tỷ lệ đăng ký kinh doanh mới giảm. Trong khi đó, một số doanh nghiệp cũ đóng cửa, phá sản, giảm quy mô kinh doanh… Đây là phân khúc chịu nhiều áp lực về dòng tiền và sức thuê từ hơn 1 năm trở lại đây, dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Giá chào thuê đã giảm 50% trong năm 2020 và tiếp tục giảm từ đầu năm đến nay.

Giá chào thuê đã giảm 50% trong năm 2020 và tiếp tục giảm từ đầu năm đến nay.

Ông David Jackson, Tổng giám đốc công ty môi giới bất động sản Colliers Việt Nam cho biết, việc kinh doanh gặp khó khăn do lượng khách quốc tế giảm đột ngột khiến nhiều khách thuê phải trả lại mặt bằng. Như vậy, có thể nói thị trường đang thừa mặt bằng cho thuê. Kể từ khi bùng phát dịch, số lượng mặt bằng trống đã tăng lên và giá chào bán cũng có xu hướng giảm. Giá chào thuê đã giảm 50% trong năm 2020 và xu hướng giảm tiếp tục trong năm nay.

Mặc dù lần này chủng virus phức tạp và nguy hiểm hơn nhưng kinh nghiệm ứng phó cũng nhiều hơn và cộng đồng không quá “sốc”, hoang mang như đợt dịch đầu tiên. Ở tầm quản lý vĩ mô, có những địa phương vẫn tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh để tạo nguồn lực chống dịch, duy trì đà tăng trưởng, không giãn cách “cực đoan”. Nhưng chưa thể biết khi nào đại dịch hoàn toàn bị đẩy lùi, vì vậy các cửa hàng phụ thuộc nhiều vào khách du lịch, đặc biệt là nhà hàng hoặc cửa hàng thời trang, có thể phải tạm thời đóng cửa và hoàn trả mặt bằng.

Sẽ có một bộ phận người thuê muốn được chủ nhà hỗ trợ thêm nhiều ưu đãi về giá, chiết khấu cao trong những tháng thuê đầu, hỗ trợ thêm tiền điện, nước… Nếu hai bên đồng ý thì có thể phần nào giúp giảm tỷ lệ trả mặt bằng.

Theo ông Jackson, giá thuê nhà trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch COVID-19 cả trong nước và thế giới. Nếu Việt Nam tiếp tục khống chế thành công dịch bệnh trong nước, giá chào thuê và tỷ lệ lấp đầy sẽ dần tăng trở lại. Khách hàng từ các lĩnh vực như công nghệ, thương mại điện tử hoặc bảo hiểm sẽ bắt đầu tìm kiếm mặt bằng một cách tích cực hơn.

Nếu dịch COVID-19 tiếp tục trầm trọng hơn, một số tỉnh thành ở Việt Nam có thể phải thực hiện các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt hơn. Điều này cùng với việc tiếp tục cấm du khách nhập cảnh, nếu tình hình thế giới không được cải thiện, sẽ khiến tình hình kinh doanh khó khăn hơn. Không loại trừ khả năng chủ thuê sẽ phải tiếp tục giảm giá sâu hơn để tìm khách thuê.