VNReport»Kinh tế»Tài chính»Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục “đóng băng” trong tháng 2

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục “đóng băng” trong tháng 2

17:16 - 14/03/2023

Chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng trị giá 2.000 tỷ đồng trong tháng 2, theo VBMA.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thoát khoải tình trạng “đóng băng” trong tháng 2, khi một số đơn vị phát hành lớn buộc phải xin giãn thanh toán các lô trái phiếu đến hạn vì thiếu tiền mặt.

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 2, chỉ có 1 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ và 2 đợt phát hành ra công chúng, với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng.

Con số này được cải thiện so với tháng 1 – tháng chỉ ghi nhận 1 đợt phát hành trái phiếu duy nhất với giá trị 110 tỷ đồng. Tuy nhiên, số đợt phát hành và giá trị phát hành trong tháng 2 vẫn thấp hơn nhiều lần so với các tháng từ tháng 9/2022 trở về trước.

Trong 2 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 2.110 tỷ đồng, bằng 8% so với con số 26.300 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2022.

Đợt phát hành riêng lẻ duy nhất trong tháng 2 đến từ Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Sơn Kim với giá trị 500 tỷ đồng và kỳ hạn 2,5 năm. Hai đợt phát hành ra công chúng là của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng và kỳ hạn 5 năm.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã rơi vào khủng hoảng từ cuối năm ngoái, sau vụ bắt giữ Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh kể từ tháng 10/2022. Vào tháng 2, nhà phát triển bất động sản lớn Novaland buộc phải xin chậm thanh toán 2 lô trái phiếu đã đến hạn vì thiếu tiền mặt.

Tính đến ngày 3/3, VBMA chưa ghi nhận đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào trong tháng 3, và chỉ có 2 doanh nghiệp công bố kế hoạch phát hành trái phiếu trong những tháng tiếp theo của năm 2023. Đầu tiên là Masan với phương án chào bán lô trái phiếu mệnh giá 4.000 tỷ đồng ra công chúng, kỳ hạn 5 năm. Ngoài ra, Công ty cổ phần Đầu tư TDG Global cũng lên kế hoạch chào bán riêng lẻ 50 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm.

Đầu tháng này, Chính phủ thông qua Nghị định 08/2023, cho phép các đơn vị phát hành trái phiếu giãn nợ tối đa 2 năm, thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác, và tạm dừng hiệu lực một số quy định siết chặt thị trường trái phiếu. Nghị định này nhằm giảm áp lực trả nợ đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, nhằm ổn định thị trường trái phiếu. Tác động của nghị định này sẽ được phản ánh trong dữ liệu thị trường tháng 3 và các tháng sau.

Trong khi đó, các doanh nghiệp đang mua lại trước hạn trái phiếu nhiều hơn so với cùng kỳ năm 2022. Trong tháng 2, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn là 5.940 tỷ đồng, tăng 34% so với tháng 2/2022. Trong 2 tháng đầu năm, con số này tăng 43% so với cùng kỳ năm trước, đạt 15,3 nghìn tỷ đồng. Mặc dù vậy, giá trị mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong 2 tháng vừa qua vẫn thấp hơn thời kỳ cao điểm giữa và cuối năm 2022.

Cũng theo VBMA, áp lực trả nợ trái phiếu sắp tăng vọt trong tháng 3, khi có đến 17,7 nghìn tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán, nhiều hơn 3 lần so với tháng 2. Đáng chú ý, nhóm bất động sản chiếm đến 43% giá trị đáo hạn, tương đương 7,69 nghìn tỷ đồng.