VNReport»Kinh tế»Tiêu dùng»Thương hiệu Việt thất thế trên sàn thương mại điện tử

Thương hiệu Việt thất thế trên sàn thương mại điện tử

22:29 - 05/10/2021

Tỷ lệ tìm kiếm sản phẩm nội trên các sàn thương mại điện tử ngày càng giảm trong mùa dịch.

Tăng trưởng trực tuyến ở mức cao trong mùa dịch

Đại dịch Covid-19 kéo theo sự chuyển dịch kỹ thuật số làm gia tăng tiêu dùng trực tuyến hơn so với năm ngoái. Dữ liệu cho thấy tổng lượt truy cập web của các nền tảng mua sắm trực tuyến trên khắp Đông Nam Á đã tăng trong nửa đầu năm 2021 so với năm trước.

Từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, lượng truy cập web trung bình vào các nền tảng thương mại điện tử đạt 4 triệu lượt, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Philippines trải qua mức tăng trưởng hàng năm lớn nhất (73%) về lượt truy cập web. Tiếp theo sau là Indonesia 41%, Malaysia 34%, Singapore 10%, Thái Lan 9% và Việt Nam 7%.

Dự báo rằng tổng số lượt truy cập web trung bình trên 6 quốc gia Đông Nam Á sẽ còn tăng hơn nữa trong những tháng còn lại của năm 2021.

Tại Việt Nam, hiện có tới 77% người tiêu dùng Việt đã biết đến hoạt động mua sắm trên mạng xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, mức độ nhận biết và đón nhận loại hình thương mại này được ghi nhận đông đảo nhất ở nhóm người tiêu dùng trong độ tuổi từ 18-23. Đây cũng là những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội nên dễ dàng nắm bắt được tính năng thương mại trên các nền tảng này.

Trước xu hướng đó, các nhà bán lẻ hiện nay cũng đang tăng cường quảng bá và bán sản phẩm, dịch vụ của mình đến người tiêu dùng thông qua mạng xã hội. Trong năm 2020, 41% doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào thương mại trên mạng xã hội nhằm đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng.

Sản phẩm Việt ngày càng vắng bóng trên các sàn thương mại điện tử

Sản phẩm Việt ngày càng vắng bóng

Theo số liệu mới công bố của iPrice, top những mặt hàng được bán trên các sàn thương mại điện tử ngày càng vắng bóng sản phẩm Việt. Trung bình trong 12 tháng gần nhất, trong số các sản phẩm được tìm kiếm trên sàn, chỉ có 17% mang thương hiệu Việt. Tỷ lệ này đang có xu hướng giảm từ mức 20% của năm 2020.

Trong số các sàn thương mại điện tử tổng hợp lớn, Tiki là cái tên có tỷ lệ tìm kiếm sản phẩm Việt cao nhất (21%), theo sau là Sendo (16%). Đây cũng là hai sàn thương mai điện tử gốc Việt, đang cạnh tranh với các sàn ngoại đến từ Singapore  như Lazada và Shopee.

Để đạt được tỷ lệ này, hai sàn nội đều phải đưa ra những chính sách ưu tiên sản phẩm trong nước và khắt khe hơn với hàng nhập. Cụ thể, Tiki bắt buộc tất cả người bán phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Quy định này làm giảm một lượng người bán chuyên nhập hàng ngoại về bán lại và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nội.

Sendo trong năm 2021 cũng phát động phong trào “Gian hàng Việt”, xúc tiến đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử. Lãnh đạo Sendo gần đây cũng không giấu mong muốn biến sàn này thành địa chỉ kinh doanh trực tuyến của các thương hiệu Việt Nam.

Những chính sách này phần nào khiến các sản phẩm bán chạy trên hai sàn nội cũng phần lớn là các sản phẩm Việt Nam. Sendo có đến 81% sản phẩm bán chạy thuộc nhà sản xuất trong nước và con số này ở sàn Tiki là 63%.

Tuy nhiên, những thống kê cũng chỉ ra rằng hai sàn thương mại điện tử Việt đang có dấu hiệu bị sàn ngoại vượt mặt trong vài năm trở lại. Do đó, việc tạo điều kiện cho sản phẩm Việt là một chuyện, nhưng để sản phẩm nội phổ biến và có chỗ đứng vững chắc trên các sàn thương mại vẫn cần sự cố gắng hơn nữa từ chính các sàn trong nước và nỗ lực chinh phục lòng tin người tiêu dùng của các thương hiệu Việt.