VNReport»Kinh tế»Tài chính»Tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 7 tăng 4,56%

Tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 7 tăng 4,56%

15:34 - 22/08/2023

Dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 7 tăng 4,56% so với cuối năm 2022, thấp hơn mức tăng 4,73% tính đến cuối tháng 6. Điều đó có nghĩa là dư nợ tín dụng đã tăng trưởng âm trong tháng 7.

Sáng 22/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”, cung cấp một số thông tin đáng chú ý về tình hình hệ thống ngân hàng và tăng trưởng tín dụng.

Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế 7 tháng đầu năm thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước. So với cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 7 tăng 4,56%, đạt khoảng 12,47 triệu tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2022, tốc độ tăng trưởng là 9,54% và mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 14%.

Đáng chú ý, theo công bố trước đó, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm là 4,73%, cao hơn tăng trưởng tín dụng 7 tháng. Điều đó có nghĩa là dư nợ tín dụng đã tăng trưởng âm trong tháng 7.

Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm” ngày 22/8.

Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm” ngày 22/8.

Theo bà Hà Thu Giang – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN – tín dụng tăng thấp phản ánh khó khăn chung trong việc hấp thụ vốn của nền kinh tế trong bối cảnh khách quan có nhiều yếu tố chi phối.

Thứ nhất là do tác động của nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid-19, cộng với những tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu, làm giảm nhu cầu vay vốn và khả năng hấp thụ vốn. Mặc dù các chỉ số kinh tế trong nước đang có xu hướng tích cực nhưng do ảnh hưởng tích lũy từ đầu năm, tín dụng đến cuối tháng 7 vẫn thấp hơn cùng kỳ các năm trước.

Thứ hai, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện vay vốn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã do quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu năng lực tài chính, trình độ quản lý còn hạn chế, thiếu kế hoạch kinh doanh khả thi, thiếu minh bạch về tình hình tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ …

Thứ ba là tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản. Tín dụng bất động sản chiếm khoảng 20% tổng tín dụng. Nhưng tăng trưởng tín dụng bất động sản hiện nay đang thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường, trong khi cầu tín dụng để mua bất động sản đang sụt giảm. Diễn biến trên cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường thời gian qua cũng đã bắt đầu phát huy tác dụng, vướng mắc pháp lý của các dự án bất động sản dần được tháo gỡ, góp phần thúc đẩy khả năng tiếp cận tín dụng của các chủ đầu tư.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, nhu cầu nhà ở không phải là ưu tiên hàng đầu của khách hàng ở thời điểm hiện tại. Cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, sản phẩm dư thừa ở phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở bình dân, phù hợp nhu cầu người dân. Các dự án bất động sản gặp vướng mắc pháp lý nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng dẫn đến khó tiếp cận vốn.

Ngoài ra, cần lưu ý tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản đang tăng so với cuối năm ngoái: tháng 6/2022 là 1,53%, tháng 6/2023 là 2,47%.

Thứ tư, sau giai đoạn kinh tế khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn khi hoạt động của doanh nghiệp khó phát huy hiệu quả. Các tổ chức tín dụng khó đưa ra quyết định cho vay vì không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Trong những tháng còn lại của năm 2023, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đã đề ra, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế.