VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Tổng thống Mỹ Joe Biden ký đạo luật giảm lạm phát

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký đạo luật giảm lạm phát

14:17 - 17/08/2022

Đây được xem là một chiến thắng lớn của Tổng thống Biden giữa bối cảnh tỉ lệ ủng hộ ông giảm sút do tình trạng lạm phát kéo dài ở Mỹ.

Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ có gì?

Ngày 16/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD. Đạo luật Giảm lạm phát là một phiên bản rút gọn của dự luật Xây dựng lại Tốt hơn (Build Back Better), nhằm đưa ra các khoản đầu tư có quy mô lớn kỷ lục vào mạng lưới an sinh xã hội của nước Mỹ. Đồng thời, đạo luật mới cũng tạo ra khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử Mỹ vào quá trình chống biến đổi khí hậu, giảm chi phí thuốc kê đơn và tăng thuế đối với các công ty.

Ông Biden cho biết đạo luật này sẽ giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu người Mỹ. Bên cạnh đó, nó cũng được xem là khoản đầu tư quan trọng nhất Mỹ từng thực hiện cho an ninh năng lượng và phát triển các giải pháp năng lượng sạch. Ngoài ra, đạo luật còn mang lại sự công bằng về thuế bằng cách buộc các tập đoàn lớn nhất ở Mỹ phải trả thuế cao hơn.

Việc ban hành Đạo luật giảm lạm phát là một cột mốc quan trọng trong thời gian cầm quyền của ông Biden

Theo thông tin trên trang web của Thượng viện Mỹ, đạo luật sẽ chi tổng cộng 433 tỉ USD. Trong đó, 369 tỉ USD được chi cho việc giảm phát thải khí nhà kính, đầu tư cho năng lượng sạch và 64 tỷ USD để mở rộng chính sách theo Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng nhằm giảm chi phí cho bảo hiểm y tế và 15% thuế tối thiểu doanh nghiệp nhằm vào các công ty kiếm được hơn 1 tỷ USD mỗi năm.

Các chuyên gia ước tính số tiền này và các chính sách ưu đãi sẽ cắt giảm lượng khí thải của Mỹ xuống 40% vào năm 2030 bằng các biện pháp khuyến khích sản xuất và mua xe điện và năng lượng xanh. Đạo luật cũng đặt mức tự trả tiền mua thuốc tối đa là 2.000 USD/năm với người được bảo hiểm. Nếu phải mua nhiều thuốc hơn, dù là bao nhiêu đi nữa, đặc biệt với các bệnh nhân ung thư hoặc bệnh mãn tính, họ cũng không phải trả thêm tiền.

Về thuế, Tổng thống Biden cho biết có 55 công ty trong danh sách Fortune 500 (500 công ty lớn nhất ở Mỹ theo bình chọn của tạp chí Fortune) có doanh thu trên 40 tỉ USD không đóng thuế thu nhập liên bang năm 2020. Theo ông, điều này phải chấm dứt.

Theo đạo luật mới, mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% sẽ áp dụng với công ty lớn của Mỹ có thu nhập trung bình hằng năm từ 1 tỉ USD, hoặc 100 triệu USD với các công ty nước ngoài ở Mỹ. Theo ước tính từ Ủy ban hỗn hợp về thuế thuộc Quốc hội Mỹ, có khoảng 150 công ty sẽ phải chịu mức thuế tối thiểu 15% mỗi năm theo dự luật.

Ngược lại, kế hoạch chi tiêu trị giá 433 tỷ USD này dự kiến sẽ giúp Chính phủ Mỹ dự kiến thu về một khoản tiền lên đến 739 tỉ USD, gồm: 313 tỉ USD từ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, 288 tỉ USD từ cải cách giá thuốc kê đơn, 138 tỉ USD từ thu thuế và lãi suất.

Đạo luật mới có giúp giảm lạm phát?

Ngày 10/8, Bộ Lao động Mỹ cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – thước đo lạm phát đã tăng 8,5% trong tháng 7, vẫn tương đối gần với mức đỉnh 40 năm tại nước này được thiết lập hồi tháng trước (9,1%). Báo cáo cũng lưu ý, áp lực lạm phát cơ bản tiếp tục tăng tại Mỹ, khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang cân nhắc liệu có nên tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất lớn vào tháng 9 tới hay không.

Các đảng viên đảng Dân chủ cho rằng đạo luật mới sẽ giúp chống lạm phát bằng cách giảm thâm hụt liên bang. Trong khi đó, đảng Cộng hòa chỉ trích đạo luật vì cho rằng nó không đủ sức khiến giá cả các mặt hàng giảm xuống, thậm chí tác động ngược lại so với những gì đảng Dân chủ cam kết.

Hầu hết các cơ quan xếp hạng và các nhà kinh tế cho rằng đạo luật sẽ có tác động ít nhiều đến lạm phát, nhưng có thể sẽ mất nhiều năm để nhìn thấy rõ kết quả. Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), đạo luật sẽ hầu như không ảnh hưởng đến lạm phát trong thời gian tới, thậm chí có thể đẩy giá tăng lên.

CBO ước tính đạo luật sẽ tác động không đáng kể đến lạm phát vào năm 2022. Sang năm 2023, đạo luật sẽ chỉ khiến lạm phát biến động trong khoảng tăng hoặc giảm 0,1 điểm phần trăm so với hiện tại.

Dù vậy, ngay cả khi đạo luật không có nhiều ảnh hưởng tới tình hình lạm phát, CBO cũng ước tính đạo luật sẽ giúp giảm thâm hụt hơn 100 tỷ USD trong thập kỷ tới. Theo số liệu từ Trung tâm Chính sách lưỡng đảng, chính phủ liên bang đã thâm hụt 2.800 tỷ USD vào năm 2021. Đạo luật mới dự kiến sẽ giúp giảm 4% trong mức thâm hụt đó.

Mặc dù đạo luật có thể chưa góp phần hiệu quả trong việc giảm đà tăng giá cả ngay lập tức cho người tiêu dùng, đạo luật này vẫn rất đáng chú ý theo những cách khác. Theo The Wilderness Society, một tổ chức phi lợi nhuận về bảo tồn đất được thành lập vào năm 1935, Đạo luật Giảm lạm phát được mô tả là một “bước đột phá” về chính sách khí hậu của nước Mỹ.

Với việc đầu tư gần 370 tỷ USD vào năng lượng tái tạo, các chương trình bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng già và nhiều biện pháp khác, đạo luật dự kiến sẽ giúp giảm 40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ trong vòng tám năm tới.

Mặt khác, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật giảm lạm phát là một cột mốc quan trọng đối với bản thân ông Biden cũng như chương trình nghị sự về kinh tế trong nước của ông khi chỉ còn 3 tháng nữa là đến bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Ông Biden khẳng định việc thông qua dự luật này không chỉ giúp Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc trong tương lai mà còn đưa nước này dẫn đầu thế giới và chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế của thế kỷ 21.