VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Tổng thống, Thủ tướng Sri Lanka từ chức giữa áp lực của người biểu tình

Tổng thống, Thủ tướng Sri Lanka từ chức giữa áp lực của người biểu tình

15:31 - 10/07/2022

Người biểu tình xông vào, chiếm giữ dinh thự tổng thống trong bối cảnh công chúng giận dữ về cuộc khủng hoảng nợ của đất nước.

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đều chấp nhận từ chức sau khi hàng nghìn người biểu tình xông vào dinh thự của tổng thống để phản đối cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm tê liệt quốc gia Nam Á này.

Những người biểu tình ở thành phố Colombo đã vượt qua hàng rào cảnh sát, xông vào dinh thự và văn phòng của tổng thống hôm thứ Bảy, đồng thời phóng hỏa dinh thự riêng của thủ tướng.

Mahinda Yapa Abeywardena – người phát ngôn của Quốc hội Sri Lanka – cho biết ông Rajapaksa sẽ chính thức từ chức vào thứ Tư.

Người biểu tình xông vào dinh thự tổng thống hôm thứ Bảy.

Người biểu tình xông vào dinh thự tổng thống hôm thứ Bảy.

Trước đó, những người biểu tình mang theo cờ Sri Lanka và mũ bảo hiểm khi họ đột nhập vào dinh thự của Rajapaksa, ngồi trên giường và bơi trong một hồ bơi.

“Tổng thống đã được hộ tống đến nơi an toàn”, một nguồn tin quốc phòng cấp cao nói với AFP.

Với khoảng 22 triệu dân, Sri Lanka đang thiếu hụt ngoại hối trầm trọng, khiến việc nhập khẩu nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men thiết yếu bị hạn chế. Sự thiếu hụt này đẩy đảo quốc vào tình trạng tài chính tồi tệ nhất trong 70 năm.

“Để đảm bảo sự tiếp tục của Chính phủ bao gồm sự an toàn của tất cả công dân, tôi chấp nhận lời khuyên của các lãnh đạo đảng hiện nay, để dọn đường cho một Chính phủ gồm toàn bộ các đảng”, ông Wickremesinghe viết trên Twitter. “Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, tôi sẽ từ chức Thủ tướng”.

Ông Rajapaksa bị nhiều người đổ lỗi cho sự suy giảm kinh tế của đất nước. Các cuộc biểu tình đã diễn ra từ tháng 3, trong đó những người biểu tình yêu cầu tổng thống từ chức. Cuộc biểu tình hôm thứ Bảy được cho là một trong những cuộc tuần hành chống chính phủ lớn nhất trong năm nay. Theo một nhân chứng, hàng nghìn người biểu tình tiến vào khu chính quyền ở Colombo, phá vỡ nhiều rào chắn của cảnh sát trước khi đến nơi ở của ông Rajapaksa. Nhân chứng cho biết cảnh sát đã nổ súng vào không trung nhưng không ngăn được những người biểu tình vây quanh nhà tổng thống.

Tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng ở quốc đảo châu Á này đã khiến các dịch vụ giao thông bị đình trệ, nhưng những người biểu tình vẫn đi xe buýt, xe lửa và xe tải từ các khu vực khác nhau của đất nước để đến Colombo phản đối những thất bại kinh tế của chính phủ.

Đất nước nghèo khó trong những tuần gần đây đã ngừng nhận các chuyến hàng nhiên liệu. Điều này buộc trường học phải đóng cửa, hạn chế xăng và dầu diesel cho các dịch vụ được coi là thiết yếu. Sri Lanka bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng và mức lạm phát cao. Lạm phát của Sri Lanka đạt 54,6% trong tháng 6.

Bất ổn chính trị có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán của Sri Lanka với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để tìm kiếm khoản cứu trợ 3 tỷ USD, cơ cấu lại một số khoản nợ nước ngoài, huy động vốn từ các nguồn đa phương và song phương để giảm bớt gánh nặng của tình trạng khan hiếm ngoại tệ ngày càng trầm trọng.