VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Toshiba sắp tách thành ba công ty độc lập

Toshiba sắp tách thành ba công ty độc lập

10:12 - 10/11/2021

Việc chia tách này sẽ bắt đầu vào đầu năm 2023.

Théo đó, Tập đoàn Nhật Bản dự kiến sẽ chia tách thành 3 công ty độc lập, tập trung vào 3 lĩnh vực chuyên môn là cơ sở hạ tầng, linh kiện bán dẫn (bộ nhớ) và thiết bị. 3 công ty này cũng sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán, lần lượt trong vòng 2 năm sau khi chia tách.

Toshiba từng là một gã khổng lồ công nghệ và là động lực tăng trưởng quan trọng của Nhật Bản. Tuy nhiên, đó đã là quá khứ. Giờ đây, doanh nghiệp này vẫn đang phải vật lộn tái cấu trúc nhằm củng cố nguồn thu, lợi nhuận. Do vậy, đây được xem là động thái nằm trong kế hoạch kinh doanh trung hạn của Toshiba, với mục tiêu nâng cao giá trị doanh nghiệp và khôi phục vị thế thương hiệu khi tạo ra 3 công ty có cấu trúc lợi nhuận, chiến lược tăng trưởng khác nhau.

Toshiba tự phân chia thành 3 công ty để tối đa lợi nhuận

Vài năm gần đây, Toshiba đã bị hạ thấp định giá doanh nghiệp khi tham gia nhiều ngành nghề nhưng mang lại quá nhiều rủi ro và kinh doanh kém hiệu quả. Các nhà đầu tư lo ngại việc sử dụng nguồn vốn không hiệu quả sẽ ảnh hưởng tới hiệu suất chung của công ty. Điển hình như việc tham gia ngành năng lượng hạt nhân đã gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng cho tập đoàn Nhật Bản.

Chính vì quy mô đầu tư dàn trải nhưng quản lí yếu kém, Toshiba đã để thất thoát hàng tỷ USD của các nhà đầu tư. Trong năm tài chính gần nhất, Toshiba đạt doanh thu thuần 26,9 tỷ USD. Việc chia tách được cho là giúp minh bạch hơn trong quản trị, giúp hãng phân bổ nguồn lực chính xác hơn.

Cụ thể, Toshiba sẽ tách trạm năng lượng và các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng thành 1 nhóm riêng, chịu quản lí bởi 1 công ty duy nhất. Các sản phẩm như ổ cứng sẽ nằm dưới 1 doanh nghiệp khác. Và cuối cùng, đơn vị sản xuất chip nhớ là công ty độc lập thứ 3 trực thuộc Kioxia Holdings, trong đó Toshiba có khoảng 40% cổ phần còn lại là các nhà đầu tư nước ngoài.

Động thái mới này của Toshiba có thể gây ra 1 làn sóng chấn động trong giới doanh nghiệp Nhật Bản. Rất hiếm có 1 công ty Nhật nào lại chọn tách ra thành các thực thể độc lập, sau đó đều niêm yết trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, việc chia tách hoàn toàn một tập đoàn lớn, bao gồm 296 công ty con và 117.300 nhân viên có thể sẽ đặt ra một thách thức đáng kể về hậu cần cho Toshiba.

Việc áp dụng chiến lược tương tự Toshiba đã từng được các công ty ở Mỹ thực hiện trong nhiều năm để chống lại việc giảm giá trị tập đoàn. Năm 2015, Hewlett-Packard tách thành Hewlett Packard Enterprise phụ trách các dịch vụ của công ty và HP phụ trách máy tính cá nhân, máy in cùng các dịch vụ liên quan. Tập đoàn này có tổng vốn hóa thị trường là 55 tỉ USD vào cuối tháng 10/2021, tăng so với khoảng 45 tỉ USD trước khi tách ra.

Song, không phải lúc nào chiến lược này cũng được đền đáp. Năm 2019, hãng hóa chất khổng lồ DowDuPont tách ra thành 3 công ty để đáp ứng nhu cầu cổ đông. Tuy nhiên, giá trị vốn hóa thị trường của họ đạt khoảng 110 tỉ USD vào cuối tháng trước, giảm so với mức 120 tỉ USD trước khi tách ra.