VNReport»Sự kiện & Bình luận»Quốc tế»Trung Quốc sắp bỏ tất cả hạn chế sinh đẻ vào năm 2025

Trung Quốc sắp bỏ tất cả hạn chế sinh đẻ vào năm 2025

19:09 - 19/06/2021

Các tỉnh có tỷ lệ sinh thấp nhất có thể được dỡ bỏ các hạn chế trước toàn quốc, khi Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số.

Các quan chức Trung Quốc đang lên kế hoạch nới lỏng hơn nữa các hạn chế sinh đẻ và chuyển đổi sang các chính sách khuyến khích sinh con, theo các nguồn tin của Wall Street Journal. Động thái này phản ánh sự cấp bách của Bắc Kinh trong việc đối phó với cơ cấu dân số ngày càng già đi.

Các nhà hoạch định chính sách đang thảo luận về khả năng loại bỏ hoàn toàn các hạn chế sinh đẻ vào năm 2025, thời điểm kết thúc kế hoạch kinh tế 5 năm hiện tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo một nguồn tin. Cũng theo người này, Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu bằng cách loại bỏ các hạn chế sinh đẻ ở các tỉnh có tỷ lệ sinh thấp nhất trước khi ban hành các thay đổi trên toàn quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết vào cuối tháng trước rằng họ sẽ cho phép tất cả các cặp vợ chồng có tối đa 3 con. Thông báo này được đưa ra vài tuần sau cuộc điều tra dân số 10 năm 1 lần cho thấy quốc gia đông dân nhất thế giới đang tiến gần đến đợt suy giảm dân số lịch sử.

Tháng trước, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nói với các quan chức cấp cao của đảng rằng ông coi dân số già hóa của Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, đồng thời kêu gọi các quan chức cấp cao giải quyết thách thức này, theo Tân Hoa xã.

Bất kỳ sự nới lỏng nào của các hạn chế có thể sẽ được triển khai đầu tiên ở vùng đông bắc kém phát triển của Trung Quốc. Vào tháng 2, các cơ quan y tế của nước này đã gợi ý rằng khu vực này có thể dẫn đầu trong việc loại bỏ tất cả các hạn chế sinh còn lại.

Ba tỉnh đông bắc của Trung Quốc đã giúp khởi động quá trình công nghiệp hóa của nước này vào những năm 1950 nhưng bị ảnh hưởng nặng nề khi Trung Quốc chuyển sang nền kinh tế thị trường vào những năm 1990 và hiện có tỷ lệ sinh vào hàng thấp nhất cả nước. Các số liệu điều tra dân số mới cho thấy dân số ở các tỉnh đông bắc giảm 1,2% trong thập kỷ qua.

Một số chính quyền địa phương trong khu vực đã đi đầu trong việc áp dụng các chính sách tích cực hơn nhằm tăng tỷ lệ sinh. Tỉnh Hắc Long Giang, giáp với vùng viễn đông nước Nga, cho biết các cặp vợ chồng ở 18 thành phố của tỉnh này có thể sinh con thứ ba vào năm 2016 – 5 năm trước khi chính sách tương tự được áp dụng trên toàn quốc.

Tại tỉnh Cát Lâm lân cận, các nhà nghiên cứu của chính phủ đã nêu ý kiến trong một báo cáo hồi tháng 2 rằng tỉnh nên soạn thảo kế hoạch chấm dứt mọi giới hạn sinh càng sớm càng tốt. “Việc chấm dứt hạn chế sinh không đủ để đảo ngược xu hướng tăng dân số âm ở tỉnh chúng tôi”, báo cáo được công bố bởi trung tâm nghiên cứu và phát triển Cát Lâm viết. “Cũng cần đưa ra các chính sách khuyến khích sinh con dựa trên các điều kiện thực tế”.

Các chuyên gia kinh tế và nhân khẩu học cho rằng cần phải có những động thái tích cực để làm chậm tốc độ giảm sinh của Trung Quốc. Dân số nước này dự kiến ​​sẽ giảm từ 1,41 tỷ người hiện tại xuống còn khoảng 730 triệu người vào cuối thế kỷ này, theo dự đoán của một nhóm các nhà khoa học quốc tế được công bố năm ngoái trên tạp chí y khoa The Lancet của Anh.

Trong khi một số chuyên gia cho rằng dân số ít hơn không phải là thảm họa, cấu trúc dân số không có đủ người trong độ tuổi lao động để hỗ trợ số người về hưu đang tăng lên có thể đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.

Bắc Kinh đang lưỡng lự trong việc từ bỏ hoàn toàn các biện pháp kiểm soát sinh đẻ. Một nguồn tin cho biết các nhà lãnh đạo lo ngại rằng việc nới lỏng hoàn toàn các hạn chế về sinh đẻ có thể khuyến khích các gia đình nghèo hơn ở các vùng nông thôn sinh thêm nhiều con và do đó làm trầm trọng thêm tình trạng kinh tế ở những vùng mà gần đây đã thoát khỏi tình trạng nghèo đói bần cùng.

Hạn chế sinh đẻ là một chính sách quan trọng của Trung Quốc kể từ năm 1980, khi giới lãnh đạo coi dân số đông và tăng nhanh của nước này là một trở ngại trong việc xây dựng một nền kinh tế vững mạnh. Nhiều gia đình buộc phải nộp phạt vì sinh nhiều hơn một con, trong khi những gia đình khác bị cưỡng bức triệt sản và phá thai.

Các chuyên gia cho biết, khi chính sách bắt đầu bén rễ, nó khiến một thế hệ người sắp làm cha mẹ có tâm lý ít sẵn sàng sinh đẻ và nuôi dạy con cái hơn. Điều đó đã giúp đẩy tỷ lệ sinh của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Khi hệ quả của các hạn chế sinh đẻ trở nên rõ ràng, Đảng Cộng sản đã dần dần nới lỏng các hạn chế này. Vào năm 2013, các cặp vợ chồng có ít nhất 1 người là con một được cho phép có 2 con mà không bị phạt. Bắc Kinh đã hoàn toàn từ bỏ chính sách một con vào năm 2016, dẫn đến sự gia tăng số ca sinh trong một năm.

Các nhà nhân khẩu học tỏ ra bi quan rằng việc nới lỏng các quy tắc, cho phép sinh 3 con vào tháng trước sẽ dẫn đến một sự thay đổi lâu dài.

Một số chuyên gia, trong đó có một cố vấn chính sách cho chính phủ Trung Quốc, đã kêu gọi Bắc Kinh loại bỏ hoàn toàn các hạn chế sinh đẻ càng sớm càng tốt. Người này bày tỏ sự thất vọng trước quyết định “khiêm tốn” cho phép sinh con thứ ba của Bắc Kinh vào tháng trước. “Có ích gì khi đợi một vài năm nữa để bãi bỏ mọi kiểm soát?”, người này nói, cho rằng chính sách ba con như một trò đùa.

Đối với các học giả khác, tình hình và các hệ quả về đạo đức quá nghiêm trọng để chính phủ tiếp tục cố gắng áp đặt các biện pháp kiểm soát dân số đối với người dân của mình. “Chính phủ cần công nhận quyền sinh sản là quyền cơ bản của người dân. Với việc kiểm soát sinh sản, bất kể người dân có thể sinh bao nhiêu con, người Trung Quốc vẫn không có quyền đưa ra quyết định về sinh sản”, Mu Guangzong, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Dân số Bắc Kinh tại Đại học Bắc Kinh, nói.