VNReport»Kinh tế»Việt Nam cần 270 nghìn tỷ đồng để phát triển kho dự trữ xăng dầu

Việt Nam cần 270 nghìn tỷ đồng để phát triển kho dự trữ xăng dầu

16:36 - 31/03/2023

Mục tiêu của khoản đầu tư là nâng năng lực dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu đến năm 2030 lên 75-80 ngày nhập khẩu ròng, từ mức 65 ngày như hiện nay. Khí đốt dự trữ đảm bảo tối thiểu 15 ngày tiêu thụ.

Việt Nam cần đầu tư tới 270 nghìn tỷ đồng để phát triển hệ thống kho dự trữ nhiên liệu quốc gia đến năm 2030, Bộ Công thương cho biết tại cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia ngày 30/3.

Mục tiêu của khoản đầu tư là nâng năng lực dự trữ dầu thô và sản phẩm xăng dầu lên 75-80 ngày nhập khẩu ròng vào năm 2030, tiến tới 90 ngày nhập khẩu ròng vào năm 2050. Khí đốt dự trữ đảm bảo tối thiểu 15 ngày tiêu thụ.

Hiện tại, năng lực dự trữ xăng dầu của đất nước là 65 ngày nhập khẩu ròng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết trong cuộc họp. Đây là hệ thống kho dự trữ được phân bổ trên phạm vi cả nước, nhưng chưa có hệ thống kho dự trữ quốc gia riêng.

Trong khi đó, sức chứa của kho khí hóa lỏng (LPG) còn hạn chế, với chỉ 10 kho có dung tích từ 10.000 m3 trở lên. Chưa có kho khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nào đi vào hoạt động. Việc xây mới các đường ống dẫn khí từ kho đến nơi tiêu thụ cũng khó khăn vì các khu công nghiệp không dành hành lang cho đường ống khí đốt khi quy hoạch.

Việt Nam chưa có hệ thống kho dự trữ xăng dầu quốc gia riêng.

Việt Nam chưa có hệ thống kho dự trữ xăng dầu quốc gia riêng.

Theo Bộ Công Thương, số vốn khoảng 270.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển hệ thống dự trữ xăng dầu, khí đốt đến năm 2030 được huy động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước ưu tiên để năng mức dự trữ xăng dầu quốc gia.

Năm ngoái, Việt Nam có thời điểm phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nguồn cung nhiên liệu. Đỉnh điểm là vào tháng 10-11, khi xuất hiện hàng dài người dân xếp hàng ở các cây xăng tại Hà Nội và TP HCM.

Với nền kinh tế tăng trưởng nhanh và số nhà máy sản xuất ngày càng nhiều, nhu cầu nhiên liệu của Việt Nam đang tăng nhanh, với tốc độ tăng trung bình hàng năm hơn 9%/năm trong giai đoạn từ 2013 đến 2021, theo Statista.

Trong cuộc họp, Bộ Công Thương đề xuất hạ tầng cung ứng, kho chứa xăng dầu định hướng phát triển trên cơ sở tận dụng lợi thế kết nối giao thông, ưu tiên các khu vực đã quy hoạch cảng biển, giao thông thủy bộ thuận lợi. Khai thác mọi nguồn lực trong nước và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kho chứa, cung ứng xăng dầu, khí đốt đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật hiện đại, phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Góp ý vào dự thảo quy hoạch, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung, điều chỉnh, làm rõ một số vấn đề liên quan đến bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp, người dân và hài hòa các yếu tố môi trường. Trong đó có tính khả thi, chuyển đổi cơ cấu năng lượng theo hướng xanh, tái tạo …

Theo TS Bùi Ngọc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam – quy hoạch chịu tác động rất lớn từ biến động của thị trường quốc tế, khả năng cung cấp và nhu cầu của thị trường. Vì vậy, việc thực hiện quy hoạch cần tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp, tránh quy hoạch cứng khi cơ cấu năng lượng sẽ thay đổi trong thời gian tới.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tầm quan trọng và sự cần thiết của quy hoạch trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đặc biệt, trong thời gian qua, tình hình cung ứng xăng dầu có nhiều biến động, khó khăn, thiếu ổn định có thể ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Vì vậy, quy hoạch này đòi hỏi phải có độ chính xác cao, tính khả thi cao, bám sát nhiệm vụ, mục tiêu sát thực tế và có tính dự báo dài hạn, đảm bảo cung cấp năng lượng chủ động và ổn định.