VNReport»Kinh tế»Doanh nghiệp»Việt Nam có môi trường khởi nghiệp năng động hàng đầu châu Á

Việt Nam có môi trường khởi nghiệp năng động hàng đầu châu Á

14:09 - 20/07/2022

Một báo cáo của HSBC và KPMG đánh giá Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm cho các startup.

Việt Nam là một trong những quốc gia có môi trường khởi nghiệp mới nhất và năng động nhất ở châu Á, đồng thời nổi lên như một trung tâm cho các startup, theo báo cáo Những người khổng lồ Mới nổi ở Châu Á Thái Bình Dương được công bố gần đây.

Báo cáo – do HSBC và KPMG lập – trích dẫn dữ liệu từ Tracxn, cho thấy Việt Nam có 1.600 startup vào đầu đại dịch Covid-19. Nhưng con số đó hiện đã tăng lên hơn 3.000 doanh nghiệp, bao gồm 4 kỳ lân (có định giá từ 1 tỷ USD trở lên).

Việt Nam đang có hơn 3.000 startup.

Việt Nam đang có hơn 3.000 startup.

Những yếu tố thúc đẩy nền kinh tế số của đất nước là một dân số đông và trẻ, sẵn sàng thử nghiệm và áp dụng các dịch vụ tiêu dùng công nghệ mới; các chính sách hỗ trợ của chính phủ; và sự gia tăng tài trợ từ nước ngoài.

Mặc dù GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tương đối thấp so với các nước khác trong khu vực, nhưng nền kinh tế của Việt Nam đang mở rộng nhanh hơn bất kỳ thị trường nào khác. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023, gần bằng tốc độ trước Covid-19.

Báo cáo cho biết VNG là công ty khởi nghiệp thành công lâu đời nhất tại Việt Nam cho đến nay. Ra mắt vào năm 2004 với tư cách là một công ty kinh doanh game, nhưng với các dịch vụ bao gồm ứng dụng nhắn tin Zalo (có hơn 60 triệu người dùng) và ví điện tử ZaloPay, VNG đã đạt đến ngưỡng kỳ lân vào năm 2014.

Nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử, giao hàng và truyền thông trực tuyến do đại dịch thúc đẩy, VNLife – nhà điều hành dịch vụ thanh toán VNPay – trở thành kỳ lân thứ 2 của Việt Nam vào năm 2020.

Giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam tăng lên 1,1 tỷ USD trong năm 2021, tăng từ 301 triệu USD năm 2020 và 330 triệu USD năm 2019. Đến cuối năm ngoái, 2 công ty khác cũng trở thành kỳ lân: nhà phát triển game Sky Mavis và ví điện tử MoMo.

“Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp, cạnh tranh chặt chẽ với Indonesia và Singapore. Với dân số trẻ, năng động và có trình độ học vấn, tỷ lệ sử dụng smartphone và Internet cao cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, Việt Nam sẽ duy trì vị thế là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và doanh nhân công nghệ, biến đất nước trở thành môi trường phát triển mạnh mẽ cho những kỳ lân tiềm năng”, theo Tim Evans – CEO HSBC Việt Nam.

Mặc dù thương mại điện tử chỉ chiếm chưa đến 5% tổng doanh số bán lẻ, nhưng giá trị của lĩnh vực này đã tăng hơn một nửa vào năm 2021. Luke Treolar – trưởng bộ phận chiến lược của KPMG Việt Nam – cho biết có thể kỳ vọng tốc độ tăng trưởng cao tương tự trong vài năm tới. Nếu điều đó xảy ra, Việt Nam sẽ có nền kinh tế số lớn thứ 2 Đông Nam Á sau Indonesia vào cuối thập kỷ này.